Tỷ phú Jack Ma hỗ trợ châu Phi hàng triệu trang thiết bị và vật tư y tế phòng dịch

Trước tình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan tại châu Phi, nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma đã viện trợ hàng triệu trang thiết bị và vật tư y tế thiết yếu hỗ trợ "Lục địa Đen". 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyến bay của hãng Ethiopian Airlines chở hơn 6 triệu trang thiết bị y tế đã cất cánh từ thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) và đáp xuống sân bay tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia  hôm 22/4 vừa qua. Nguồn trang thiết bị, vật tư y tế viện trợ của Alibaba sẽ được phân phối cho các quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.  

Theo giới chức Ethiopia và Quỹ Jack Ma, số trang thiết bị và vật tư y tế nói trên bao gồm 5,4 triệu khẩu trang, 1,08 triệu dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, 40.000 bộ quần áo bảo hộ và 60.000 mặt nạ bảo hộ.

Tỷ phú Jack Ma cũng đã gửi những chuyến hàng viện trợ trang thiết bị y tế tương tự tới các quốc gia tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.

Theo số liệu cập nhật, tính đến ngày 23/3, dịch COVID-19 đã lây lan sang ít nhất 43/54 quốc gia tại châu Phi, với hơn 1.100 ca nhiễm bệnh. Trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh, các nước này đã áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, trường học, các cơ sở tôn giáo, hạn chế tập trung đông người, tạm ngừng các chuyến bay có hành khách quốc tế...

Trong khi đó, trên tài khoản Twitter cá nhân, Đại sứ Mỹ tại Burkina Faso Andrew Young cuối tuần qua xác nhận ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Vị đại sức này hiện đã được cách ly. 

Ông Andrew Young là đại sứ Mỹ đầu tiên mắc COVID-19 và là đại sứ thứ hai tại Burkina Faso nhiễm căn bệnh này, sau Đại sứ Italy Andrea Romussi. 

Tính đến ngày 23/3, Burkina Faso ghi nhận 75 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong. Đây là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara. Giới chức y tế quan ngại số ca mắc mới dịch bệnh này sẽ tăng theo cấp số nhân trong những tuần tới và có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại quốc gia Tây Phi này.

Tại Algeria, theo yêu cầu của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune, cơ quan chức năng Algeria đã ban hành danh mục các mặt hàng chiến lược cấm nhập khẩu cho đến khi kết thúc khủng hoảng kinh tế. Biện pháp này nhằm bảo vệ kho dự trữ chiến lược quốc gia và được coi là biện pháp quan trọng nhằm ứng phó với dịch COVID-19 cũng như với những khó khăn kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, danh sách các sản phẩm cấm xuất khẩu bao gồm bột lúa mì cứng, bột mì, đậu khô và gạo, mì ống, dầu ăn, đường, cà phê, nước uống tinh khiết, nước cà chua cô đặc, các nguyên liệu sản xuất thực phẩm, tất cả các sản phẩm từ sữa - bao gồm cả các chế phẩm dành cho trẻ em, rau quả tươi, thịt đỏ và trắng, các thiết bị y tế, thuốc và dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và các chất tẩy rửa gia dụng. 

Cũng trong ngày 23/3, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Sudan đã ban bố lệnh giới nghiêm một phần tại tất cả các thành phố trên cả nước. 

Giám đốc Cơ quan Y tế khẩn cấp của Sudan cho biết lệnh giới từ 8h chiều hôm trước tới 6h sáng hôm sau bắt đầu được thực hiện kể từ ngày 24/3. Ngoài ra, Ủy ban này cũng quyết định dừng hoạt động xe buýt giữa các bang kể từ ngày 26/3 tới.

Tại Jordan, chính phủ nước này quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm vô thời hạn. Bên cạnh đó, cam kết trong những ngày tới, bắt đầu phân phát thực phẩm và nhu yếu phẩm trên toàn đất nước cho các gia đình trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi cả nước.  

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 tại Jordan đã tăng từ 6 trường hợp lên 127 trường hợp. Hiện nước này chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Cũng trong ngày 23/3, hai quốc gia Tây phi là Senegal và Cote D'Ivoire đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19. Theo đó, Senegal sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ sáng đến đêm, trong khi Cote D'Ivoire tuyên bố sẽ ban hành các biện pháp phong tỏa từng bước.

Tại Nigeria, nhà chức trách đã yêu cầu người dân tại hai thành phố lớn nhất nước này là Lagos và Abuja hạn chế tối đa ra khỏi nhà trong bối cảnh Nigeria đóng cửa các đường biên giới trên bộ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Minh Tâm - Quang Trường (TTXVN)
Châu Phi ghi nhận 1.198 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 37 người thiệt mạng 
Châu Phi ghi nhận 1.198 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 37 người thiệt mạng 

Phóng viên TTXVN tại châu Phi cho biết, theo báo cáo tạm thời của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) công bố ngày 22/3, tổng cộng có 1.198 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại 41 quốc gia châu Phi. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN