Lần đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump giảm. Trong khi người Mỹ nhìn chung chấp thuận các nhân sự nội các được đề cử, một số tuyên bố của ông Trump, bao gồm cả những tuyên bố liên quan đến các vấn đề chính sách đối ngoại, đã bị người dân hiểu lầm, tờ Nezavisimaya Gazeta của Nga ngày 28/12 đưa tin. Những tuyên bố này bao gồm các đề xuất của ông Trump về việc mở rộng lãnh thổ Mỹ liên quan đến Canada, Mexico, Greenland và Panama.
Trong bối cảnh đó, trang tin RealClearPolitics đã công bố kết quả các cuộc thăm dò toàn quốc được tiến hành vào tháng 12 này, cho thấy xu hướng rõ ràng về sự suy giảm mức độ ủng hộ đối với ông Trump. Kết quả tệ nhất của ông Trump cũng được ghi nhận bởi một cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos mới thực hiện từ ngày 13 - 15/12. Theo cuộc thăm dò, khoảng 2 trong số 5 người Mỹ có cái nhìn tích cực về Tổng thống đắc cử Trump, thấp hơn so với thời điểm ứng viên đảng Cộng hòa này sắp nhậm chức tổng thống lần đầu tiên.
Khoảng 41% số người được hỏi trong cuộc thăm dò cho biết họ có thiện cảm với ông Trump, trong khi 55% không có thiện cảm với ông Trump khi lễ nhậm chức vào ngày 20/1/2025 đang đến gần.
Con số này giảm so với mức ủng hộ 51% dành cho ông Trump vào tháng 12/2016 sau chiến thắng bất ngờ của ông trong cuộc bầu cử năm đó, mặc dù trong nhiều tháng, ông chỉ đạt được mức ủng hộ khoảng 40%. Sự gia tăng sau bầu cử đã kéo dài sang những tháng đầu nhiệm kỳ 2017-2021 của ông.
Việc không có sự phục hồi trong năm nay - tỷ lệ ủng hộ ông dao động quanh mức 40% trong những tháng gần đây - có thể là dấu hiệu cho thấy sự phân cực chính trị sâu sắc hơn giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Vào tháng 12/2016, khoảng 1/4 số đảng viên Dân chủ có cái nhìn tích cực về ông Trump. Tháng này, chỉ có khoảng 1/10 có cái nhìn tích cực.
Vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tỷ lệ ủng hộ công việc tổng thống của ông đạt mức cao 48% trong các cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4/2017. Tỷ lệ ủng hộ thấp nhất của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên là 33% vào tháng 12/ 2017.
Theo một cuộc thăm dò trước đó từ CNN trong tháng 11 năm nay, đa số người Mỹ (54%) dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ thực hiện tốt công việc khi trở lại Nhà Trắng vào tháng tới. Hơn nữa, 55% người tham gia khảo sát cũng bày tỏ sự đồng tình với cách mà ông đang xử lý quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với những gì mà các tổng thống khác đạt được trong giai đoạn tương tự.
Một khảo sát khác từ Gallup cho thấy chỉ có 51% người dân chấp thuận cách thức mà Trump đang điều hành quá trình chuyển giao quyền lực. So với những tổng thống trước đây như Bill Clinton hay Barack Obama, tỷ lệ này thấp hơn nhiều.
Gần đây, thế giới xôn xao bàn tán về các sáng kiến chính sách đối ngoại của tổng thống đắc cử Mỹ. Hôm 25/12, Tổng thống đắc cử Trump khẳng định lại rằng ông không nói đùa và thực sự không ngại sáp nhập Mexico, Canada, Greenland và Kênh đào Panama vào Mỹ.
Theo nghiên cứu viên cao cấp Vladimir Vasiliev tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, vẫn có một logic rõ ràng đằng sau các sáng kiến chính sách đối ngoại của tổng thống đắc cử Trump vốn có vẻ không theo thông lệ. "Có một cảm giác nhất định trong nước rằng dưới thời các tổng thống trước, Washington đã bỏ bê chính khu vực lân cận của mình, có thể nói như vậy.
"Những người di cư bất hợp pháp đã đổ xô vào Mỹ thông qua Mexico. Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latinh và thậm chí đã mua lại hai cảng ở Panama. Do đó, ý tưởng của ông Trump là giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, nơi mà Mỹ đã từ bỏ vào năm 1999 dưới thời chính quyền Mỹ của Tổng thống Bill Clinton, bất chấp sự chỉ trích của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, Mỹ đang có sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng với Canada và Mexico", chuyên gia Vasiliev giải thích.
Chuyên gia Vasiliev tin rằng bằng cách nói về khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ mới, ông Trump đang cho các nước láng giềng thấy rằng Washington sẽ hành động quyết đoán nếu họ không nhượng bộ.
Chuyên gia Vasiliev lưu ý thêm, ý tưởng sáp nhập Greenland của ông Trump cũng có thể được coi là một cách để gây ảnh hưởng đến các đồng minh châu Âu của Mỹ, những nước mà tổng thống đắc cử Trump có nhiều bất bình. Đan Mạch là thành viên của NATO. Tuy nhiên, nước này không đáp ứng được điều kiện tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP, đây là yêu cầu mà không chỉ ban lãnh đạo liên minh mà cả chính ông Trump từ lâu đã nhấn mạnh.