Tương lai bất định

Với những diễn biến mới nhất ở Syria sau hơn 13 năm xung đột dai dẳng và khốc liệt, con đường dẫn đến hòa bình và hòa giải ở quốc gia Trung Đông này sẽ vẫn đầy chông gai bởi những thay đổi chính trị trên thực địa cùng thế "chia 5 xẻ 7".

Chú thích ảnh
Các thành viên lực lượng đối lập Syria SDF sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Deir el-Zor, miền Đông Syria ngày 7/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Sự việc các lực lượng đối lập Syria do nhóm chiến binh Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) đứng đầu ngày 8/12 giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus đã dẫn tới sự sụp đổ của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm ông nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ông Assad trở thành tổng thống năm 2000 sau khi cha ông là Hafez Assad đã điều hành đất nước trong 3 thập niên. Năm 2011, làn sóng "Mùa xuân Arập" quét qua Syria, cùng với đó là các cuộc biểu tình đường phố, các vụ giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập, sự can dự của các lực lượng nước ngoài, dẫn đến xung đột chưa có hồi kết ở quốc gia Trung Đông này.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Syria vẫn trong tình trạng rối ren và chia cắt, với quân đội chính phủ kiểm soát miền Nam và miền Trung, còn các nhóm đối lập chiếm giữ khu vực miền Bắc. Bất ổn chính trị và an ninh đã tạo khoảng trống cho tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan hoành hành ở Syria thời điểm sau đó.

Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người Syria và buộc hơn 12 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Một nửa dân số Syria hiện đang sống tha hương ở nước ngoài. Xung đột cũng tàn phá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đất nước. Những tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây, đại dịch COVID-19 và trận động đất mạnh tháng 2/2023 cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 27% người Syria, tương đương khoảng 5,7 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ.

Trong bối cảnh đó, chính biến ngày 8/12 có nguy cơ đẩy Syria chìm sâu trong một môi trường chính trị-an ninh phức tạp và khó đoán định. Bất kỳ sự chuyển đổi chính trị nào diễn ra không suôn sẻ cũng có thể khiến Syria rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Nguy cơ nhãn tiền là sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm đối lập, bao gồm HTS và các đồng minh, trong đó có nhóm dân quân có tên gọi Quân đội Quốc gia Syria. Vòng xoáy bạo lực mới có thể lôi kéo các thế lực bên ngoài, khiến cho tình hình ở Syria trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết, nhất là khi Syria lâu nay luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích của các cường quốc. Hơn nữa, các nhóm cực đoan và những phần tử IS có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào một khi chúng có được môi trường thuận lợi. Viễn cảnh đó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc sống vốn đã khốn đốn của hàng triệu người Syria.

Việc Syria rơi vào tình trạng bất ổn lâu dài cũng sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn hơn ở Trung Đông, khu vực vốn đã chìm trong xung đột do hàng loạt cuộc đụng độ, đối đầu giữa Israel với người Palestine, giữa Israel và Iran hay giữa Israel với các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Trung Đông.

Giới phân tích cho rằng trong thời điểm quan trọng này, tất cả người dân Syria cần phải ưu tiên đối thoại, đoàn kết và tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế khi họ tìm cách xây dựng lại đất nước. Đặc biệt, các bên có vũ trang trên thực địa cũng cần phải kiểm soát vũ khí cũng như bảo vệ thường dân và các tổ chức nhà nước. Cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia Trung Đông và Liên hợp quốc (LHQ), đã kêu gọi Syria thực hiện một quá trình chuyển tiếp ổn định và toàn diện, với sự tham gia của tất cả các cộng đồng. Theo giới phân, tiến trình chính trị của Syria cũng cần tập trung vào cấu trúc của chính phủ mới. Giai đoạn chuyển tiếp cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia Arập. Quá trình chuyển đổi chính trị cũng yêu cầu các thể chế nhà nước có quyền lực hơn yếu tố cá nhân, thúc đẩy một nhà nước dân sự, thế tục và tự do phù hợp với bản sắc đa dạng của người dân Syria...

Một yếu tố nữa tác động tới tình hình Syria là vai trò của các nước, các lực lượng bên ngoài. Chuyên gia về vấn đề Trung Đông người Trung Quốc Vương Tấn (Wangjin) đánh giá trong tương lai, tình hình Syria có xấu đi hơn nữa hay không, chủ yếu phụ thuộc vào hai nhân tố, đó là phản ứng quân sự của một số nước lớn, trong đó có Nga và Mỹ, những nước vốn có mục tiêu khác nhau khi can dự vào Syria, cũng như hoạt động của các nước và các nhóm vũ trang trong khu vực, như Israel, Hezbollah ở Liban.

Bất ổn triền miên đang đẩy người dân Syria vào một tương lai ngày càng bất định. Họ chỉ có thể hy vọng rằng bất ổn sẽ không tồi tệ thêm và không dẫn đến những hậu quả chết chóc và tàn phá. Theo đánh giá của giới phân tích, trong trường hợp cơn bão chính trị lắng xuống và Syria nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, nền kinh tế nước này vẫn có thể phải mất một thập niên để khắc phục những tổn thất do xung đột gây ra. Một báo cáo công bố hồi tháng 5/2024 của WB cho thấy kinh tế Syria, vốn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trước cuộc chính biến năm 2011, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ đó, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế dự kiến giảm 1,5% trong năm nay sau khi ghi nhận mức giảm 1,2% trong năm ngoái.

Chuyên gia Khalid Al Terkawi, nhà tư vấn kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu Jusoor, cho biết Syria đã mất rất nhiều nguồn lực kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Ông lưu ý khi Syria có thể bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế bằng công cuộc tái thiết, nền kinh tế nước này sẽ cần tới 7-8 năm để trở lại quy mô trước năm 2011. Theo chuyên gia bình luận quốc tế Bako Kheladze, sự phục hồi kinh tế của Syria vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh chính trị bị phân mảnh và sự cạnh tranh quốc tế. Nếu không có đối thoại và giải pháp có ý nghĩa giữa các tác nhân cạnh tranh này, triển vọng ổn định và phục hồi kinh tế ở Syria vẫn rất ảm đạm.

Tiến sĩ HA Hellyer, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia ở London (Anh), nhận xét từ đống đổ nát do xung đột, tương lai của Syria sẽ được định hình nhờ "mức độ tham gia nghiêm túc" của các tác nhân khu vực và quốc tế. Một quá trình chuyển đổi chính trị ổn định và bao trùm, như lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Trung Đông-Bắc Phi, là yếu tố cần thiết then chốt cho tiến trình hòa bình và hòa giải của Syria. Trong kịch bản chuyển đổi chính trị thành công nhất, chế độ mới của Syria, quốc gia có phần lớn dân số theo dòng Hồi giáo Sunni, cần đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia  láng giềng Arập và thiết lập quan hệ gần gũi vì lợi ích chung với cả Iran và Israel. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế của Syria, đồng thời cũng giúp đem lại sự ổn định cho mảnh đất Trung Đông.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Hình ảnh vệ tinh mới nhất về căn cứ quân sự Nga tại Syria
Hình ảnh vệ tinh mới nhất về căn cứ quân sự Nga tại Syria

Hãng tin Reuters đã đăng hình ảnh vệ tinh mới nhất về căn cứ quân sự Nga tại Syria sau khi chính phủ của ông Bashar al-Assad sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN