Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh còn phải đối mặt với khó khăn tương tự từ những quốc gia khác tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 17 quốc gia Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (17+1).
Các nhà lãnh đạo cấp cao thường tham dự hội nghị thượng đỉnh này nhưng Tổng thống Séc Zeman hôm 19/1 thông báo ông sẽ không tham dự và Trung Quốc đã “không thực hiện cam kết” khi chưa thể đầu tư nhiều hơn vào Séc.
Tại hội nghị thượng đỉnh “17+1” năm 2019 ở Croatia, Thủ tướng Andrej Babis đã đại diện Séc tham dự và đại diện Trung Quốc khi đó là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Còn năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị này với tư cách nước chủ nhà. Nhóm 17+1 được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2012.
Tổng thống Zeman ủng hộ mối quan hệ kinh tế thân thiết hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Zeman và các nhà lãnh đạo Séc khác lại ngày càng băn khoăn về bản chất mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt ở thời điểm lợi ích kinh tế đã suy giảm.
Mối quan hệ Séc-Trung Quốc lớn mạnh sau khi Tổng thống Zeman nhận chức vụ từ năm 2013. Thời điểm đỉnh cao là vào năm 2016 khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Séc và cam kết tăng đầu tư từ Trung Quốc. Cùng năm đó, Tổng thống Zeman cho biết ông hy vọng Séc sẽ trở thành “tàu sân bay không thể chìm” đối với đầu tư Trung Quốc ở châu Âu.
Nhưng kể từ thời điểm đó, đầu tư Trung Quốc đã chững lại, không chỉ ở Séc mà khắp các quốc gia Trung và Đông Âu. Cũng từ đây, Tổng thống Zeman đã thay đổi tông giọng. Hồi tháng 4/2019, Tổng thống Zeman đánh giá rằng việc thiếu đầu tư là “vết nhơ trong mối quan hệ Séc-Trung Quốc”.
Ông Jeremy Garlick tại Đại học Kinh tế (Séc) nhận định: “Tôi cho rằng Tổng thống Zeman cảm thấy cam kết với cá nhân ông không được thực hiện bởi ông ấy có liên lạc riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong một số trường hợp nhưng lại cảm thấy rằng cam kết chưa được đáp lại”.
Tổng thống Zeman đã đến thăm Trung Quốc 5 lần và là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất dự lễ diễu binh của Trung Quốc năm 2015.
Hầu hết các thành viên 17+1, trừ Hungary và Hy Lạp, đều nhìn nhận đầu tư Trung Quốc là “ảo giác” và “làn sóng mới của trăng mật Trung Quốc đã kết thúc”.
Tập đoàn Rhodium (Mỹ) chuyên theo dõi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại châu Âu từ năm 2000 cho biết tổng đầu tư của Trung Quốc tại Séc tăng khoảng 1 tỷ euro năm 2018 nhưng tăng trưởng có tốc độ khá chậm. Các quốc gia hàng xóm như Italy và Đức lại nhận được đầu tư từ Trung Quốc tăng 15-20 lần.
Bức tranh này cũng ở mức tương tự với Đông Âu khi Áo, Bulgaria, Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia nhận được chỉ 2% trong đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu trong năm 2018. Các quốc gia như Pháp, Đức và Anh nhận được lần lượt 9, 12 và 24%.
Các chính trị gia khác của Séc cũng có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Thủ tướng Babis từng cảnh báo về thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong năm 2018. Xuất khẩu của Séc tới Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 là 1,8 tỷ USD hàng hóa, giảm 4,3% so với 2018. Tuy nhiên, Séc nhập khẩu tới 11,7 tỷ USD từ Trung Quốc.
Ông Richard Turcsanyi tại Đại học Palacky (Séc) cho biết cả Prague và Bắc Kinh đã kỳ vọng quá nhiều.
Căng thẳng chính trị giữa Séc và Trung Quốc cũng tăng do lo ngại an ninh liên quan đến tập đoàn viễn thông Huawei.