Tuần hành phản đối tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff

Cuộc tuần hành phản đối luận tội Tổng thống Rousseff đã diễn ra trên khắp nẻo đường của hàng chục thành phố lớn ở Brazil trong ngày 28/4.

Người dân biểu tình phản đối luận tội bà Dilma Rousseff tại Porto Alegre ngày 31/1. Ảnh: Reuters

Ngày 28/4, hàng nghìn người Brazil đại diện cho hai phong trào công nhân tại Brazil là Phong trào Công nhân không Mái nhà (MTST) và Mặt trận Nhân dân không sợ hãi đã xuống đường tuần hành phản đối tiến trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff do các phe phái đối lập khởi động.

Theo báo chí Brazil, cuộc tuần hành diễn ra trên quy mô lớn tại khắp nẻo đường của hàng chục thành phố lớn tại nước này, như Sao Paulo, Rio de Janeiro, và thủ đô Brasilia. Những người biểu tình tràn ra đường phố, mang theo khẩu hiệu, biểu ngữ phản đối Phó Tổng thống Michel Temer, người của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) từng tham gia liên minh cầm quyền với Tổng thống Rousseff, đã quay lưng lại với chính phủ hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Tuyên bố của MTST nhấn mạnh cuộc tuần hành là nhằm phản đối âm mưu đảo chính đang diễn ra tại Brazil, và nhằm bảo vệ các quyền xã hội đang bị đe dọa trong trường hợp ông Temer lên nắm quyền thay Tổng thống Rousseff. Ngoài ra, một số phong trào công nhân, lao động khác cũng đã kêu gọi tiến hành tuần hành vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại thành phố Sao Paulo.

Đầu tháng 5 tới, Thượng viện Brazil sẽ phải quyết định có tiếp tục xét xử bà Rousseff hay không. Trong trường hợp Thượng viện đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm Tổng thống, nếu 41 trên tổng số 81 nghị sĩ thông qua đề xuất phế truất, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày sau đó và nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer theo quy định của Hiến pháp, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động (PT) với nhiều thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ làm tổng thống tới ngày 31/12/2018.

- Liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, các công tố viên Brazil đã đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với chiến lược gia chính trị Joao Santana, người tham gia hai chiến dịch tranh cử của Tổng thống Rousseff vào các năm 2010 và 2014.

Theo công tố viên Deltan Dallagnil, ông Santana, đã bị bắt hồi tháng 2 vừa qua, bị cáo buộc nhận hối lộ từ công ty xây lắp Odebrecht và một số khoản tiền hối lộ khác trong các hợp đồng của nhiều doanh nghiệp lớn như Petrobras, công ty đóng tàu Sete Brasil và công ty khai thác dầu mỏ Keppel Fels thuộc Tập đoàn Keppel của Singapore. Ngoài ông Santana, 16 đối tượng khác cũng vướng vào cáo buộc tương tự. Ông Santana, 63 tuổi, là nhà báo và từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng ở Petrobras. Tuy nhiên, chính quyền bà Rouseff tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính. Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối này, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

TTXVN/Tin Tức
Nguy cơ đảo chính mềm ở Brazil
Nguy cơ đảo chính mềm ở Brazil

Bắn pháo giấy, hát hò, reo mừng ầm ĩ. Đó là tâm trạng tiệc tùng ăn mừng của phe đối lập Brazil tại Hạ viện sau khi họ giành được đa số phiếu để nhất trí đưa việc luận tội nữ Tổng thống Dilma Rousseff lên Thượng viện. Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, phe đối lập chỉ còn hai bước nữa là có thể thành công trong việc hạ bệ bà Rousseff - hành động mà dư luận thế giới coi không khác gì một cuộc đảo chính không đổ máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN