Từ bất ổn Iraq nhìn lại thất bại của Mỹ

Máy bay không người lái cùng binh sĩ Mỹ sẽ không giúp giải quyết tình hình. Vấn đề hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ Iraq.

Trang The dailybeast mới đây đã cho đăng tải bài viết của tác Giáo sư Leslie H. Gelb, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), nhận định rằng máy bay không người lái của Mỹ sẽ không giúp giải quyết tình hình ở Iraq.

Mỹ đang do dự trước việc xung đột ở Iraq lan rộng. Ảnh: AP


Tác giả cho rằng khi các phần tử thánh chiến chiếm giữ thành phố Mosul và bắt đầu tiến về Baghdad, chính quyền Washington đương nhiên bị sốc. Nhưng giới chức, nghị sĩ, các chuyên gia chính sách Mỹ thì lẽ ra đã phải đoán trước việc này. Điều xảy ra ở Iraq hiện nay chỉ là sự lặp lại những gì trong quá khứ, với sự can dự và sa lầy của Mỹ trong các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Libya, Việt Nam. Nó diễn ra theo cùng một cách thức: Quân đội Mỹ đến, huấn luyện quân sự và rồi rút đi mà chẳng làm được gì nhiều.

Trước việc phiến quân đẩy các chiến dịch tấn công tại Iraq, đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc Mỹ cần can thiệp, mà nhanh chóng nhất là thực hiện các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, tiêu diệt các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL). Thế nhưng, điều này có thể sẽ là một sai lầm. Nó sẽ là lý do để Iraq dựa dẫm, ỷ lại và nếu thất bại thì sẽ đổ tiếng cho Mỹ.

Hãy nhìn tình hình Iraq trong những tháng qua. Mỹ đã giúp chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki xây dựng một quân đội được đánh giá là có sức mạnh đứng hàng thứ 20 trên thế giới, với khoảng 250.000 quân thường trực. Cùng với đó là đội quân an ninh lên đến gần một triệu nhân viên, có cả lực lượng chống khủng bố, cảnh sát.

Trong khi đó, ISIL chỉ có khoảng 5.000 - 7.000 quân. Thế nhưng diễn biến mới nhất lại cho thấy một sự tương phản. Hàng chục nghìn binh sĩ chính phủ đóng ở Mosul, với sự yểm trợ của xe tăng, xe bọc thép cùng các vũ khí do Mỹ cung cấp đã chẳng thể làm gì, buộc phải tháo chạy, buông súng trước phiến quân ISIL không được trang bị vũ khí hạng nặng.

Vấn đề là ở chỗ: Số binh sĩ này không được huấn luyện chu đáo, không thực sự chiến đấu vì chính phủ. Nghiêm trọng hơn, chính quyền Maliki theo dòng Shiite bị cho là hoạt động không hiệu quả, tham nhũng lan tràn. Không kích bằng máy bay không người lái sẽ không làm thay đổi cục diện, vì xung đột hiện nay đó là hệ quả không thể khác được đối với Iraq khi xét đến các lớp lang chính trị tại đất nước này. Nó gợi nhớ đến những bài học trong quá khứ.

Đó là tại Afghanistan – nơi mà quân Mỹ đã tham chiến và chịu nhiều thiệt hại, chuyển sang trang bị, huấn luyện cho hàng nghìn binh sĩ Afghanistan để rồi chính đội quân này cũng chẳng thể làm gì nhiều trước phiến quân Taliban. Đó là cuộc chiến tại Việt Nam – nơi quân đội Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn, gây dựng với quân số lên đến 1,5 triệu người, được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Nhưng rồi kết cục cuối cùng cũng buộc phải đầu hàng.

Lý do tại sao những đội quân này lại thất bại, và kéo theo đó là sự thất bại của Mỹ? Đơn giản là bởi động cơ chiến đấu là yếu tố then chốt nhất quyết định chiến thắng trên chiến trường. Đó chính là bài học đắt giá của chiến tranh trong hơn một nửa thế kỉ qua mà dường như Mỹ vẫn chưa hiểu hết.

Đương nhiên, Mỹ vẫn phải sẵn lòng trợ giúp “những người bạn” tốt – người sẵn lòng biết cách cứu giúp bản thân. Đối với Iraq, điều này có nghĩa là Nhà Trắng cần đưa ra một chọn lựa kế hoạch tổng thể từng được Phó Tổng thống Joe Biden đề xuất hơn một thập kỉ trước. Mục tiêu chung nhất là giữ vững lãnh thổ, nhưng hãy để mỗi nhóm sắc tộc tự giải quyết các vấn đề trong khu vực của chính họ.

Người Kurd đang sẵn lòng làm điều đó ở miền bắc, còn miền nam thì người Shiite cũng có ý muốn tương tự. Ông Maliki cần trao thêm quyền cho khu vực người Sunni sinh sống ở miền trung, có được sự thừa hưởng công bằng về nguồn lợi dầu mỏ. Dần dần, những người Sunni ôn hòa và binh sĩ người Shiite sẽ sát vai cùng nhau chống lại các phiến quân thánh chiến.

Trước khi trút bom, Mỹ cần ngừng lại và suy ngẫm về những thực tại đẫm máu trong hơn 50 năm qua. Đó là những cuộc nội chiến mà việc giành phần thắng không phải là do những người Mỹ hậu thuẫn quyết định, cũng không phải bằng binh sĩ Mỹ, vũ khí Mỹ, huấn luyện quân sự Mỹ. Một cách khôn khéo hơn, Washington cần thúc đẩy con đường ngoại giao theo hướng phân quyền và liên bang hóa.


Hoài Thanh (ThedailyBeast)



Iraq kêu gọi LHQ viện trợ quân sự
Iraq kêu gọi LHQ viện trợ quân sự

Trước những diễn biến bạo lực leo thang trong những ngày qua, Đại sứ Iraq tại Pháp Fareed Yasseen ngày 12/6 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua quyết định viện trợ quân sự bổ sung cho Baghdad, trong đó có máy bay và máy bay không người lái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN