Truyền thông Afghanistan trước thách thức mới thời Taliban

Behishta Arghand, nữ phóng viên đầu tiên phỏng vấn thủ lĩnh Taliban sau khi nhóm kiểm soát được Kabul, nằm trong số hàng trăm nhà báo đã rời đất nước. 

Chú thích ảnh
Behishta Arghand, phóng viên đài truyền hình tư nhân Tolo News, chụp ảnh ở Doha, Qatar, ngày 29/8/2021. Cô là người phỏng vấn một thủ lĩnh Taliban vài ngày sau khi Kabul thất thủ và đã chạy khỏi đất nước sau cuộc phỏng vấn. Ảnh: AP 

Mạng truyền hình tư nhân phổ biến nhất của Afghanistan đã chủ động thay thế các vở nhạc kịch và chương trình ca nhạc nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ bằng các chương trình trong nước phù hợp với các nhà cầm quyền mới, những người đã đưa ra chỉ thị mơ hồ rằng các phương tiện truyền thông không được vi phạm luật Hồi giáo hoặc gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, các kênh tin tức độc lập của Afghanistan vẫn tiếp tục cho phép người dẫn chương trình nữ lên sóng, thử dò giới hạn của quyền tự do truyền thông dưới thời Taliaban, lực lượng từng giết hại các nhà báo trong quá khứ nhưng đang hứa hẹn một hệ thống báo chí mở kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8.

Trong khi thế giới chăm chú theo dõi các biểu hiện về cách Taliban sẽ cai trị đất nước, thì ứng xử của họ với giới truyền thông sẽ là một chỉ số quan trọng, bên cạnh chính sách với phụ nữ. Ở thời kỳ cai trị Afghanistan từ năm 1996-2001, Taliban đã thực thi một cách diễn giải hà khắc về đạo Hồi, cấm trẻ em gái và phụ nữ đến trường học và tham gia cuộc sống công cộng, đồng thời đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến.

Sau khi Taliban sụp đổ, trong hai thập niên qua Afghanistan đã chứng kiến phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông trong khi phụ nữ đạt được một số bước tiến trong một xã hội bảo thủ sâu sắc.

Chú thích ảnh
Nữ nhà báo Behishta Arghand trong cuộc phỏng vấn trực tiếp truyền hình với người phát ngôn Taliban, Mawlawi Abdulhaq Hemad. Ảnh: Tolo News

Trong một dấu hiệu gây bất ngờ đầu tiên, một trong những thủ lĩnh hàng đầu Taliban, Mawlawi Abdulhaq Hemad đã bất ngờ bước vào studio của mạng truyền hình tư nhân Tolo News chỉ hai ngày sau khi họ nắm quyền kiểm soát Kabul hồi giữa tháng 8. Ông ta đã ngồi trực diện tham gia cuộc phỏng vấn với nữ nhà báo Behishta Arghand.

Phóng viên 22 tuổi chia sẻ với hãng tin AP rằng cô rất lo lắng khi thấy Hemad bước vào phòng thu, nhưng cử chỉ và cách ông trả lời các câu hỏi đã giúp cô thoải mái hơn một chút.

“Tôi chỉ tự nhủ đây là thời điểm thích hợp để cho cả thế giới thấy rằng, phụ nữ Afghanistan không muốn quay đầu lại. Họ muốn tiến về phía trước”, Arghand nói.

Arghand đã bỏ trốn khỏi Afghanistan sau cuộc phỏng vấn, không chờ đợi bất kỳ cơ hội nào về những lời hứa cởi mở hơn của Taliban. Cô hiện đang ở trong một khu nhà dành cho người tị nạn Afghanistan tại Qatar.

Arghand nằm trong số hàng trăm nhà báo - nhiều gương mặt được coi là tài năng nhất Afghanistan- đã rời đất nước sau khi Taliban tiếp quản. 

Chú thích ảnh
Nhân viên đài Tolo TV bị thương trong vụ đánh bom liều chết của Taliban ngày 21/1/2016. Ảnh: AP 

Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn của Arghand với quan chức Taliban đã đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý so với lần đầu tiên cầm quyền của nhóm chiến binh này, khi phụ nữ phải che kín thân thể từ đầu đến chân và bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình và các tội danh khác.

Lần này, Taliban đã chia sẻ video các bé gái đi học ở các tỉnh. Họ cũng đã tổ chức các cuộc họp báo sau khi nắm quyền kiểm soát Kabul, trả lời nhiều câu hỏi từ các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế.

Saad Mohseni, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Moby Group, công ty sở hữu Tolo News, cho biết ông tin rằng Taliban đang chấp nhận giới truyền thông vì hiểu rằng họ phải thu phục nhân tâm, thuyết phục cơ sở chính trị đóng một vai trò nào đó và củng cố quyền thống trị của mình.

“Phương tiện truyền thông quan trọng đối với họ, nhưng họ sẽ làm gì với giới truyền thông trong thời gian một tháng hoặc hai tháng nữa thì cần phải chờ xem”, ông Mohseni phát biểu từ Văn phòng của Moby Group ở Dubai.

Theo ông Steven Butler, điều phối viên chương trình châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), mặc dù Mỹ và các đồng minh không tạo ra được một nền dân chủ ổn định ở Afghanistan, nhưng họ đã thành công trong việc tạo ra một nền báo chí phát triển mạnh. Ông cho biết trên trang web của CPJ, chính phủ Mỹ đã chi những khoản tiền khổng lồ cho dự án báo chí dân chủ. Các khoản tài trợ của Washington đã giúp ra mắt Tolo, ban đầu là một đài phát thanh vào năm 2003 và nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực truyền hình. Đài truyền hình nói tiếng Pashto và Dari có 500 nhân viên, là mạng tư nhân được xem nhiều nhất ở Afghanistan.

Chú thích ảnh
 Một quả bom được gắn vào ô tô của Yama Siawash, một cựu dẫn chương trình đài TOLO TV, khiến nhà báo này và hai người khác thiệt mạng vào tháng 11/2020. Ảnh: AP

Nổi tiếng với các chương trình tin tức và giải trí, Tolo đã quyết định tự loại các chương trình ca nhạc và phim truyền hình khỏi sóng vì “chúng tôi không nghĩ rằng chúng có thể được chế độ mới chấp nhận”, ông Mohseni giải thích. Những bộ phim tình cảm lãng mạn được thay thế bằng một serie phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ lấy bối cảnh thời Ottoman, với những nữ diễn viên ăn mặc giản dị hơn.

Đài truyền hình quốc gia Afghanistan, RTA cũng rút hết các nữ MC cho đến khi có thông báo mới. Kênh truyền hình độc lập Zan TV  do phụ nữ điều hành thì ngừng phát các chương trình mới.

Tuy nhiên, kênh tin tức Ariana do tư nhân điều hành vẫn cho phép phụ nữ lên sóng dẫn chương trình. Mạng Tolo có người dẫn chương trình nữ trong chương trình bữa sáng vào thứ Năm hàng tuần. Ngoài ra, mạng này còn có một số nữ phóng viên.

Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, đã có báo cáo về việc chiến binh của nhóm đánh đập và đe dọa các nhà báo. Đài truyền hình Đức Deutsche Welle cho biết các tay súng Taliban đi từng nhà để truy lùng một trong những nhà báo của tổ chức này, rồi đã bắn chết một thành viên trong gia đình anh ta và làm bị thương nặng một người khác.

Bilal Sarwary, một nhà báo lâu năm ở Afghanistan, từng có tác phẩm phát sóng trên BBC, cho biết: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng báo chí Afghanistan vẫn tồn tại vì mọi người sẽ cần nó.”

Mặc dù Sarwary cũng đã rời Afghanistan cùng gia đình, nhưng ông nói rằng một thế hệ các nhà báo công dân đang được trao quyền nhiều hơn bao giờ hết. “Nếu chúng tôi không thể quay trở lại, không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ Afghanistan. Chúng tôi sẽ đưa tin về Afghanistan ở mọi lúc mọi nơi... Kết nối toàn cầu là điều bình thường mới”, nhà báo Sarwary nói.

Trong khi đó, Taliban đang cho phép các nhà báo vào Afghanistan từ phía Pakistan và cho phép các hãng truyền thông tiếp tục hoạt động ở Kabul, mặc dù phải tuân thủ các hướng dẫn đáng ngại. Họ quy định rằng các bản tin phải không được mâu thuẫn với các giá trị Hồi giáo và không được thách thức lợi ích quốc gia.

Chú thích ảnh
Thắp nến tưởng nhớ phóng viên ảnh của Reuters, Danish Siddiqui, thiệt mạng khi đưa tin về các cuộc đụng độ giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan khi đó. Ảnh: AP 

Để hoạt động, các phương tiện truyền thông địa phương có thể phải tự kiểm duyệt để tránh hậu quả.

Afghanistan từ lâu đã là mảnh đất nguy hiểm đối với các nhà báo. CPJ cho biết 53 nhà báo đã bị giết hại ở Afghanistan kể từ năm 2001 và 33 trong số đó kể từ năm 2018.

Vào tháng 7 năm nay, một nhiếp ảnh gia từng đoạt giải Pulitzer của Reuters đã thiệt mạng do các vụ đụng độ giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan. Năm 2014, một nhà báo của hãng tin Pháp AFP, cùng vợ và hai con nằm trong số 9 người bị các tay súng Taliban giết hại khi đang ăn tối tại một khách sạn ở Kabul.

Gần hai năm sau, vào năm 2016, một kẻ đánh bom liều chết của Taliban đã nhắm mục tiêu vào các nhân viên của mạng truyền hình Tolo trên một chiếc xe buýt, giết chết 7 người và làm bị thương ít nhất 25 người. Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, gọi Tolo là “công cụ gây ảnh hưởng suy đồi của phương Tây”.

Chủ tịch Moby Group, Mohseni cho biết ông lo ngại khi Taliban kiểm soát Kabul. “Không nghi ngờ gì nữa, họ sẽ bị hạn chế. Câu hỏi đặt ra chỉ là hạn chế như thế nào”, ông nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Taliban sẽ nỗ lực đưa nền kinh tế hoạt động trở lại với sự giúp đỡ của Trung Quốc
Taliban sẽ nỗ lực đưa nền kinh tế hoạt động trở lại với sự giúp đỡ của Trung Quốc

Taliban cho biết sẽ dựa vào nguồn hỗ trợ tài chính của Trung Quốc để khôi phục kinh tế tại Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN