Đây là lời khẳng định của quan chức cấp cao Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đưa ra vài ngày trước khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung sắp được ký kết.
“Có hạn ngạch thương mại cho toàn cầu. Chúng tôi sẽ không thay đổi chỉ vì một quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Jan Jun trả lời phỏng vấn tạp chí kinh tế Tài Kinh xuất bản ngày 8/1.
Như một phần trong thỏa thuận thương mại đột phá mà hai bên đã đạt được vào năm ngoái, Trung Quốc cam kết mua thêm một lượng đáng kể hàng hóa Mỹ, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp trong hai năm tới. Thứ trưởng Jan Jun cũng là một trong các thành viên thuộc phái đoàn đàm phán. Vào thời điểm đó, ông cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm lúa mỳ, gạo và ngô từ Mỹ, song không nói rõ số lượng chính xác.
Trong khi Washington hoan nghênh cam kết thì một số nhà sản xuất Trung Quốc bày tỏ lo ngại chính phủ có thể dỡ bỏ hạn ngạch mà quốc gia này đã đặt ra trong nhiều năm.
Tuy nhiên, báo trên nhấn mạnh hạn ngạch đối với các loại lương thực nói trên chưa bao giờ hoàn thành trong những năm gần đây và vẫn còn chỗ nhận thêm số lượng nhập khẩu nhiều hơn con số hiện tại.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn/vụ trong năm 2018, trong khi hạn ngạch nhập khẩu lúa mì, gạo và ngô lần lượt là 9,6 triệu, 5,3 triệu và 7,2 triệu tấn. Ngay cả trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc mua ba loại cây lương thực Mỹ kể trên với tổng giá trị khoảng 534 triệu USD - thấp hơn nhiều so với hạn ngạch đặt ra.
Một số chuyên gia phân tích tin rằng quyết định giữ nguyên hạn ngạch thương mại có thể ảnh hưởng tới thỏa thuận ngừng bắn “thương mại” vốn dĩ đã mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện hệ thống hạn ngạch Trung Quốc vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và các cuộc đàm phán vượt ra ngoài phạm vi hai nước.
Cụ thể, năm ngoái, một hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng ra phán quyết hệ thống hạn ngạch của Trung Quốc đối với gạo, lúa mì và ngô vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
Trung Quốc được cho là sẽ cử phái đoàn đàm phán thương mại, dẫn đầu là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, tới Mỹ vào ngày 13/1. Phái đoàn này trước đó có dự định tới Washington sớm hơn, song đã phải sắp xếp lại lịch trình sau khi Tổng thống Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter vào tuần trước rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung sẽ được ký kết vào 15/1.