Trung Quốc yêu cầu quản lý khép kín nhân viên phục vụ chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAA) đã yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp với chính quyền các địa phương thực thi quản lý khép kín đối với các nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế có tiếp xúc trực tiếp với hành khách và hàng hóa quốc tế, trong một nỗ lực tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người đứng đầu CAA, ông Feng Zhenglin cho biết các nhân viên phục vụ chuyến bay quốc tế cần tách khỏi các nhân viên phục vụ các chuyến bay nội địa đồng thời tránh tiếp xúc với gia đình và các thành viên trong cộng đồng khi làm nhiệm vụ. Ông Feng kêu gọi ngành hàng không tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch đối với phi hành đoàn cũng như bộ phận phục vụ mặt đất tại sân bay, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba đang hoạt động trong khu vực sân bay.

Trong khi đảm bảo tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả nhân viên phục vụ các chuyến bay quốc tế, ông Feng kêu gọi tăng cường tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên hàng không dân dụng và tăng xét nghiệm sàng lọc.

Ngày 20/7 vừa qua, 9 nhân viên vệ sinh sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh (Nanjing Lukou) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một buổi xét nghiệm định kỳ. Tình đến ngày 29/7, thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô (Jiangsu) đã ghi nhận 173 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19, vùng lãnh thổ La Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương sẽ bắt đầu thực hiện phong tỏa một phần do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao. Lệnh phong tỏa một phần sẽ kéo dài 2 tuần, theo đó người dân chỉ được phép di chuyển trong bán kính 10km từ nhà trong các ngày thường và chỉ 5km vào ngày Chủ nhật. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h00 hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau. Quán cà phê, nhà hàng và phòng tập thể thao sẽ phải đóng cửa trong 2 tuần tới. 

Giới chức cấp cao của La Reunion cho biết tình hình "rất đáng lo ngại” vì tốc độ lây nhiễm tăng cao chưa từng thấy, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình 350 ca trên 100.000 dân. Tình hình lây nhiễm này do biến thể Beta của virus SARS-CoV-2.

Tình hình tại La Reunion đang được theo dõi đặc biệt sau khi Anh cho biết đây là lý do chính khiến khách du lịch đến từ Pháp vẫn phải cách ly 10 ngày khi nhập cảnh Anh. Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune chỉ trích các lệnh hạn chế của Anh là “phân biệt đối xử với người Pháp” và cho rằng “nếu xét về chính sách y tế thì vô tác dụng”. Theo ông Beaune, biến thể Beta chiếm chưa đến 5% số ca nhiễm tại Pháp và hầu hết các vùng lãnh thổ hải ngoại, nơi tương đối ít người dân đi du lịch Anh quốc.

Giới chức Paris ngày càng lo ngại tỷ lệ lây nhiễm tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở vùng Caribe, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương khi tỷ lệ tiêm phòng tại đây rất thấp so với mức trung bình trên cả nước. Thủ tướng Jean Castex đã lên tiếng cảnh báo “thảm họa” ở một số lãnh thổ hải ngoại khi chỉ 3/10 người trưởng thành được tiêm phòng, trong khi tỷ lệ này trên cả nước là 1/2.

Trong khi đó, quân đội Pháp cho biết đã cử 40-50 y bác sĩ đến đảo Martinique của Pháp ở Caribe để ứng phó với dịch. Lệnh phong tỏa một phần kéo dài trong 3 tuần đã được thực thi tại đây từ ngày 28/7.

Bích Liên (TTXVN)
Biến thể Lambda chiếm số đông ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ Latinh
Biến thể Lambda chiếm số đông ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ Latinh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 14/7 xếp hạng Lambda (C.37) là “biến thể đáng lo ngại” sau khi một số quốc gia ghi nhận ca nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN