Trung Quốc và Hàn Quốc ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19

Ngày 2/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong nước phát hiện tại thủ đô Bắc Kinh. Không có thêm ca tử vong nào ở Trung Quốc đại lục trong ngày 1/7.

Như vậy, tính đến hết ngày 1/7, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 83.537 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân được xuất viện sau khi bình phục là 78.487 người.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên xét nghiệm các mẫu dịch để phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, theo TTXVN tại Seoul, sáng 2/7, Trung tâm Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 trong nước lên 12.904 ca. 

Tin vui là không có thêm ca tử vong nào ở Hàn Quốc trong khi đã có thêm 71 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 11.684 ca.

Trước đó, ngày 22/6, KCDC cho biết khu vực Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống dịch COVID-19 kéo dài. Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, khu vực đô thị Seoul chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong hai tuần cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu. Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo có thể xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn quốc.

Chính phủ Nhật Bản mới đây cho biết Tokyo có thể sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại trong tình huống số người nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng mạnh tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính quyền đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh khi số người nhiễm bệnh đang tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây. Ông nhận định tình hình hiện nay chưa đến mức phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại, nhưng chính quyền trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục giữ đề phòng cao độ với diễn biến của dịch bệnh để đồng thời vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cũng để ngỏ khả năng nước này sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trở lại trong tình huống xấu nhất nếu các nỗ lực này không thể ngăn chặn đà tăng của số người nhiễm bệnh. Trong tình huống đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định quan trọng này trên cơ sở đánh giá tổng hợp về số người nhiễm bệnh, tốc độ lây lan, đường lây nhiễm của các bệnh nhân và thực trạng tại các cơ sở y tế và tham khảo ý kiến của giới chuyên gia y tế.

Nhằm đối phó với dịch bệnh, Hiệp hội Điều dưỡng, y tá Nhật Bản đã kêu gọi một số cựu bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá, chuyên viên tư vấn sức khỏe quay đã nghỉ việc trở lại làm việc trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Đến nay, đã có khoảng 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc đã đồng ý trở lại làm việc và số người này chủ yếu sẽ được phân công chăm sóc những người mắc bệnh ở thể nhẹ đang được cách ly và điều trị tại các cơ sở lưu trú bên ngoài. Hiệp hội Điều dưỡng, y tá Nhật Bản cho biết hệ thống y tế hiện nay vẫn chưa đến mức quá tải nhưng đây là sự chuẩn bị cần thiết cho làn sóng dịch bệnh thứ 2, thứ 3 có thể quay trở lại. 

Chỉ tính riêng trong ngày 1/7, đã có thêm 127 người mắc COVID-19 tại Nhật Bản, trong đó riêng Tokyo là 67 người. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Tokyo có số người nhiễm bệnh trên 50 người và là đợt có số người tăng mạnh nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ từ cuối tháng 5/2020.

Mạnh Hùng - Bùi Hà (TTXVN)
Thị trường dầu mỏ trước nỗi lo làn sóng COVID-19 thứ hai từ Trung Quốc
Thị trường dầu mỏ trước nỗi lo làn sóng COVID-19 thứ hai từ Trung Quốc

Là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ và các sản phẩm chế từ dầu mỏ lớn nhất thế giới từ tháng 9/2013, bất kỳ biến động nào về cầu dầu mỏ tại Trung Quốc đều gây ra những tác động tức thời, nổi bật đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN