Trung Quốc tung ‘chiêu’ hành doanh nghiệp Mỹ thời chiến tranh thương mại

Anh đào Mỹ bị thối hỏng khi chờ thông quan vào Trung Quốc, da bê bị trả lại với lý do bị thừa... Đó là vài ví dụ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ thời gian qua phải chật vật với các rào cản phi thuế quan từ Trung Quốc.

Các “chiêu” hành doanh nghiệp Mỹ

Trong khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc từ đầu năm tới nay, các nhà xuất khẩu anh đào Mỹ ở Washington nhận thấy quy trình thông quan bị chậm lại ở biên giới Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Người trồng anh đào Mỹ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Bloomberg

Các cuộc kiểm tra không báo trước bắt đầu được thực hiện ngày càng nhiều từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Kết quả là các chuyến hàng vào Trung Quốc Đại lục bị ùn lại, một số thùng hàng bị thối, buộc các nhà xuất khẩu phải chuyển hướng để bán trước khi hàng bị hỏng.

Tổ chức các nhà trồng anh đào ở Mỹ, đại diện cho 2.500 người trồng anh đào, buộc phải chuyển quả tươi tới người tiêu dùng Trung Quốc trong giới hạn thời gian ba tháng – thời điểm 9 loại anh đào chín. Khi hàng bị ùn lại, họ buộc phải chuyển tàu tới Hong Kong hay Đài Loan để tiêu thụ.

Ông Keith Hu, Giám đốc phụ trách hoạt động quốc tế tại Ủy ban Hoa quả bang Washington, cho biết ước tính thiệt hại do thuế quan và các rào cản khác trong năm 2018 đưa ra hồi tháng 11 là 89 triệu USD.

Theo một khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cứ bốn doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp cho biết bị nhà chức trách Trung Quốc kiểm tra tăng cường. Lần đầu tiên các doanh nghiệp này đã coi rủi ro chính trị gắn với quan hệ Mỹ-Trung là mối quan ngại hàng đầu.

Nhiều công ty đa quốc gia, vốn đã quen với môi trường khó khăn, cho biết số trở ngại mà họ phải vượt qua khi làm ăn ở thị trường Trung Quốc ngày càng tăng.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng như cam bị Trung Quốc tăng cường kiểm tra. Ảnh: Politico

Tổng thống Trump tới nay đã áp thuế cao với một nửa hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc và cảnh báo sẽ áp thuế cao với số hàng hòa Trung Quốc còn lại trị giá 267 tỷ USD. 

Dù Trung Quốc không có nhiều hàng nhập khẩu của Mỹ như vậy để trả đũa nhưng theo tờ Politico, nước này có nhiều vũ khí khác để khiến doanh nghiệp Mỹ phải trả giá đắt.

Ví dụ như việc trì hoãn cấp giấy phép và tăng yêu cầu pháp lý đối với doanh nghiệp Mỹ muốn làm ăn ở Trung Quốc.

Hồi tháng 5, giới chức hải quan Trung Quốc thông báo tăng cường rà soát và kiểm dịch táo, gỗ từ Mỹ vì lo ngại các mặt hàng này mang theo sinh vật có hại vào Trung Quốc.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng đưa ra ví dụ về một trường hợp Trung Quốc đe dọa từ chối cấp giấy phép kinh doanh cho một tập đoàn Mỹ lớn trừ khi tập đoàn này lên tiếng phản đối chính sách thương mại của Mỹ.

Doanh nghiệp nhỏ thiệt hại nhất

Tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Một công ty gia đình ở New England thường xuyên bị trả lại lô hàng da bê mùa hè năm nay vì bị thừa. Có lần lô hàng bị bỏ lại cảng ở đông nam Trung Quốc hơn một tháng rồi bị trả lại Mỹ. Kết quả là công ty trên bị thiệt hại gần 50.000 USD.

Chú thích ảnh
Nhiều tàu hàng Mỹ phải đổi hướng vì rào cản phi thuế quan từ Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đầu năm nay, nhà sản xuất Beach House ở California đột nhiên được thông báo rằng vải và nhựa dùng để sản xuất nhà chơi cho trẻ em ở hai cơ sở sản xuất của Trung Quốc sẽ tăng giá từ 10 đến 30%.

Hai nhà cung cấp vải và nhựa cho biết nguyên nhân là do thay đổi quy định môi trường nên phải nâng cấp sản phẩm, dẫn tới tăng giá.

Công ty Beach House không được thông báo hay giải thích về thay đổi trên. Họ cũng sẽ phải nộp phạt nếu không trả tiền.

Tuy nhiên, theo ông William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, ngoài các công ty nhỏ và một số công ty “con cưng” của Mỹ, các rào cản phi thuế quan lại không phải là vấn đề lớn với nhiều công ty Mỹ ở Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không thấy nhiều hành động trả đũa định tính. Giới chức Trung Quốc hiểu rằng đầu tư nước ngoài là lợi ích của họ”.

Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina, hai bên đã nhất trí “đình chiến” 90 ngày, theo đó hoãn tăng thêm thuế. Dù vậy, căng thẳng giữa hai bên vẫn còn ở mức cao.

Ngay sau cuộc gặp là vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Trung Quốc cho rằng vụ bắt giữ có động cơ chính trị để gây sức ép với mình.

Điều này dẫn tới lo ngại Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách nhằm vào các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, tới nay, mục tiêu của Trung Quốc là Canada. Ít nhất ba công dân Canada đã bị Trung Quốc bắt.

Theo Politico, so với những hành động trong các tranh cãi thương mại gần đây thì các biện pháp chống doanh nghiệp Mỹ mà Trung Quốc đưa ra còn tương đối nhẹ nhàng.

Trong bất đồng ngoại giao với Nhật Bản năm 2010, Trung Quốc đã tạm thời cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm cho Nhật Bản.

Hai năm sau, doanh số bán xe Toyota và Honda ở Trung Quốc sụt giảm sau khi báo chí nước này kêu gọi tẩy chay hàng Nhật trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ. Doanh nghiệp Nhật Bản đã bị hàng nghìn người tấn công trong các cuộc biểu tình.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Rút quân Mỹ khỏi Syria: Tổng thống Trump có vi hiến?
Rút quân Mỹ khỏi Syria: Tổng thống Trump có vi hiến?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trải qua quãng thời gian sóng gió với quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Vì sao hành động này bị chỉ trích mạnh mẽ và liệu bước đi đó có vi hiến hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN