Quyết định bị chỉ trích
Theo bình luận của tờ Washington Post, quyết định của Tổng thống Trump cho thấy ông bỏ ngoài tai lời khuyên của các cố vấn cấp cao, ông tự củng cố chiến lược riêng, khiến đồng minh của Mỹ sốc và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức.
Việc Tổng thống Trump biến cam kết tranh cử liên quan tới Syria thành hiện thực là “giọt nước tràn ly” khiến Bộ trưởng James Mattis từ chức. Trong bức thư xin từ chức gửi Tổng thống ngày 20/12”, ông Mattis nói Tổng thống Trump xứng đáng có một người có quan điểm phù hợp hơn với ông. Những người liên quan tới chính sách Syria và Afghanistan dự kiến cũng sẽ sớm ra đi.
Bất chấp cảnh báo rút lực lượng Mỹ khỏi gần như mọi nơi mà Mỹ từng triển khai quân tới, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Iraq, Syria, Afghanistan, Tổng thống Trump liên tục bị ngăn cản bởi đội ngũ an ninh quốc gia.
Tờ Washington Post nhận định, nếu có một Học thuyết Trump, thì việc rút khỏi Syria sẽ là giai đoạn “nở hoa” của học thuyết này. Như Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter sáng 20/12, lẽ ra không có gì phải ngạc nhiên cả vì ông đã vận động điều này hàng năm nay rồi.
Việc quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria là một động thái dường như mâu thuẫn với chiến lược trung tâm trong chính sách Trung Đông là kiềm chế ảnh hưởng trong khu vực của Iran. Nếu Mỹ rút khỏi Syria, Iran sẽ lấp chỗ trống.
Tuy nhiên, với người ủng hộ ông Trump và cả những thường dân thuộc đảng Dân chủ, động thái này được ủng hộ. Đã đến lúc chấm dứt triển khai binh sĩ ra nước ngoài trong giai đoạn sau vụ khủng bố 11/9. Ở nhiều nước, binh sĩ Mỹ được điều tới mà không có chiến lược rút lui rõ ràng.
Trong đoạn tweet ngày 20/12, ông Trump viết: “Mỹ có muốn làm cảnh sát Trung Đông, không thu được điều gì mà phải mất những sinh mạng quý giá và hàng nghìn tỷ đô la để bảo vệ người khác – những người mà trong gần như mọi trường hợp không trân trọng những gì chúng ta làm? Chúng ta có muốn ở đó mãi không?”
Tuy nhiên, giới phê bình Mỹ, đảng Cộng hòa, quân đội Mỹ và một số quốc gia coi đây là sai lầm chiến lược lớn có thể mở đường cho khủng bố Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy trở lại.
Một quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ nói với kênh CNN: “Đó là một sai lầm lớn và Tổng thống không nhìn thấynó sẽ gây nguy hại cho đất nước ra sao”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham vốn là đồng minh của ông Trump, cũng chỉ trích quyết định: “Tôi cho rằng quyết định đó là thảm họa với an ninh quốc gia”.
Theo CNN, quyết định rời Syria khiến dư luận có thêm đồn đoán mới về động cơ trong bối cảnh quan hệ của ông Trump với Nga bị ngày càng nhiều áp lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong họp báo thường niên ngày 20/12: “Nếu quyết định rút quân được đưa ra, thì đó là một quyết định đúng đắn”.
Bất ngờ mà không bất ngờ
Có thể nói quyết định trên vừa bất ngờ vừa không bất ngờ, nhất là khi xét những gì Tổng thống Trump đã thực hiện trong hai năm qua. Như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã rút khỏi các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí và khí hậu cũng như một loạt hiệp định thương mại. Dưới thời Tổng thống Trump, đồng minh trở nên xa cách còn những nước từng bị coi là đối thủ của Mỹ lại xích lại gần hơn.
Từ trước tới nay, Tổng thống Trump cho rằng binh sĩ Mỹ không nên chiến đấu trong các cuộc chiến của người khác. Ông tuyên bố: “Chúng ta đã đánh bại IS ở Syria, lý do duy nhất mà binh sĩ Mỹ ở đó thời Tổng thống Trump”.
Ông cũng không có bài phát biểu quan trọng nào với người dân Mỹ để giải thích cơ sở chiến lược trong rút binh sĩ Mỹ. Theo CNN, điều đó cho thấy ông không để ý tới các chi tiết trong các quyết định quan trọng.
Không giống một số quyết định khác, quyết định rút binh sĩ khỏi Syria không thách thức các quy định trong hiến pháp và vẫn nằm trong hàng rào an toàn của tư tưởng chính trị chính thống về việc triển khai quân ở nước ngoài. Với tư cách là tổng tư lệnh, Tổng thống Trump có quyền đưa ra những lệnh như vậy.
Động thái mới nhất của ông Trump phù hợp với một loạt động thái trước đây. Đó là động thái táo bạo của một tổng thống muốn sử dụng quyền lực thay vì sử dụng quy trình chính sách từ dưới lên trên như phần lớn chính quyền trước đây.
Ông Trump cũng không lo lắng khi các chuyên gia trong chính quyền khuyên ông làm cách khác. Ví dụ như ngày 11/12, đặc phái phiên đặc biệt của tổng thống về liên minh toàn cầu chống IS, Brett McGurk, đã đưa ra lập luận trái với lý lẽ của Tổng thống Trump.
Hay như việc ông cấm các công dân một số nước Hồi giáo vào Mỹ cũng đã khiến quan chức Mỹ chật vật trong giải thích với dư luận.
Đồng minh của Mỹ cũng rối trí nếu muốn hiểu mục tiêu chiến lược của Chính quyền Mỹ. Hai nguồn ngoại giao từ các nước Trung Đông cho biết nước họ không được tham vấn hay thông báo gì cả và tin tức về kế hoạch rút quân khỏi Syria là “hoàn toàn bất ngờ”.
Tờ Washington Post bình luận, như vậy hết lần này đến lần khác, Tổng thống Trump đã kiên định áp dụng học thuyết của riêng mình về vai trò hợp lý của lực lượng Mỹ. Khác với người tiền nhiệm coi rằng Mỹ có vai trò xâydựng các quốc gia ổn định bằng cách truyền bá giá trị phương Tây, làm cho Mỹ an toàn bằng cách làm cho thế giới an toàn, Tổng thống Trump cho rằng quân đội Mỹ phải là mạnh nhất thế giới, không phải vì lợi ích của thế giới mà là vì lợi ích của chính Mỹ.