Đội ngũ tham gia sứ mệnh Hằng Nga 4 (Chang’e-4) – vốn vận hành tàu thăm dò Yutu-2 – khẳng định rằng vật chất này “có hình dạng và màu sắc khác biệt rõ với đất trên Mặt Trăng”.
Kênh RT (Nga) cho biết Yutu-2 đã đi qua hố trũng rộng 2m này trong tháng 8. Thiết bị quang phổ kế cận hồng ngoại (VNIS) đã phân tích thành phần hóa học của vật chất lạ dẫn đến vệt màu đỏ và xanh lục trong hình ảnh Yutu-2 gửi về.
Mặc dù chụp được hình vật chất lạ từ tháng 8 nhưng đến giữa tháng 9 Trung Quốc mới quyết định công bố hình ảnh.
Tuy chưa thể xác định chính xác vật chất lạ nhưng nhà khoa học Clive Neal tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nghi ngờ đây là các mẩu khoáng chất cùng gắn kết hình thành thủy tinh màu đen bóng. Ông Neal cho rằng quá trình tạo vật chất lạ xuất phát từ những tác động tốc độ cao trên bề mặt Mặt Trăng.
Đến nay, Yutu-2 đã di chuyển được 285 m và hạ cánh xuống vùng bị che khuất của Mặt Trăng từ ngày 2/1.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã đề cập đến ý định đưa tàu thăm dò đến vùng tối Mặt Trăng. Vùng tối trên Mặt Trăng là phần con người không bao giờ quan sát được khi nhìn từ Trái Đất. Luôn có một mặt của Mặt Trăng hướng về Trái Đất trong khi phần còn lại hướng về vũ trụ tối tăm lạnh lẽo do vậy bị bao phủ bởi màu đen.
Trên thực tế, có thể hiểu vùng tối là mặt ban đêm của Mặt Trăng trong khi phía còn lại có thể quan sát được từ Trái Đất do nhận ánh nắng Mặt Trời và là mặt ban ngày.
Tuy Trung Quốc gia nhập cuộc đua vũ trụ khá muộn nhưng trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực này. Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thám hiểm Mặt Trăng thành công, sau Mỹ và Nga.