Trung Quốc phải mất 10 năm mới tự sản xuất được chip riêng

Ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ phải mất hơn một thập kỷ để bắt kịp các quốc gia dẫn đầu khác, với lý do xuất phát điểm yếu thế hơn.

Chú thích ảnh
Một du khách đi qua màn hình hiển thị các vi mạch và bảng mạch tại Hội chợ triển lãm công nghệ cao quốc tế Bắc Kinh lần thứ 21. Ảnh: AP

Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhận định của chuyên gia chất bán dẫn Trung Quốc Jay Huang Jie khi được hỏi về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng ra sao tới chuỗi cung ứng cao cấp.

“Đây thực sự là ngành công nghiệp đầy thách thức và cạnh tranh, phụ thuộc lớn vào tích lũy công nghiệp dài hạn”, Jay Huang Jie – người đồng sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư Jadestone Capital đồng thời là cựu Giám đốc Quản lý của tập đoàn Intel tại Trung Quốc – phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Our Hong Kong tổ chức hôm 27/5.

“Trung Quốc nên chuẩn bị cho cuộc chạy đua kéo dài ít nhất 10 năm, cũng sẽ rất tốn kém”, chuyên gia Huang dự báo. Theo chuyên gia này, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra sự chuyển dịch chuỗi cung ứng cao cấp rời khỏi Trung Quốc có thể tạo sức ép lớn khi quốc gia này tìm cách theo kịp. “Đáng lo ngại là chuỗi cung ứng cao cấp rời khỏi Trung Quốc sau khi mức thuế được tăng lên. Tất nhiên, điều này không thể xảy ra trong một đêm nhưng vẫn là có nguy cơ cao”.

Trong bối cảnh Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận nền khoa học kỹ thuật Mỹ vì căng thẳng thương mại leo thang, Bắc Kinh kêu gọi tăng cường khả năng tự cung-tự cấp về kỹ thuật, trong đó có việc sản xuất chip riêng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tính cần thiết cho sự tự chủ và cải tiến nhằm đối phó trước các thách thức dài hạn của Mỹ. “Giá như chúng ta sở hữu tài sản trí tuệ và kỹ thuật then chốt của riêng mình, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm độc đáo và không bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.

Tháng 5 vừa qua, các cuộc đàm phán nhằm hóa giải những khác biệt trong thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận đáng kể nào. Điều đó kéo theo một loạt động thái của chính quyền Tổng thống Trump trong việc chống lại Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm Huawei mua công nghệ Mỹ.

Mỹ kêu gọi một chiến dịch diện rộng nhằm gây sức ép lên các đồng minh tại châu Âu và châu Á tẩy chay thiết bị mạng 5G của Huawei, với các cáo buộc thiết bị được sử dụng vào mục đích gián điệp. Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/5 đã đưa công ty Huawei và các chi nhánh vào danh sách đen Entity, đồng nghĩa với việc cấm công ty mua các bộ phận, linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ.

HiSilicon - công ty con của Huawei – cho biết trong một vài năm qua, công ty này tập trung nghiên cứu phát triển chip của riêng mình, làm phương án dự phòng cho điện thoại thông minh và các sản phẩm mạng, thay thế cho chip Intel và Qualcomm,

Về mặt nghiên cứu và sản phẩm nội địa, Huawei đang làm tốt hơn rất nhiều so với đối thủ ZTE – từng làm mục tiêu trừng phạt của Mỹ năm ngoái và trong tình trạng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, kế hoạch dự phòng mang lại kết quả như thế nào sẽ phải phụ thuộc vào sự sẵn có của các lựa chọn thay thế do Trung Quốc sản xuất.

“Xét về ngắn hạn, nó không khác biệt mấy khi tiến độ sản xuất chip nội địa ở mức 99 hay chỉ 10%. Nếu như không tìm ra được thành phần nội địa thay thế cho một bộ phận thì coi như không còn cách nào khác”, chuyên gia Huang kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Lý do người sáng lập Huawei phản đối Trung Quốc trừng phạt Apple
Lý do người sáng lập Huawei phản đối Trung Quốc trừng phạt Apple

Người sáng lập tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Nhậm Chính Phi cho biết ông không hoan nghênh một đòn trả đũa tương tự đối với đối thủ Apple của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN