Nghề cả năm chỉ làm một tháng 'hái ra tiền' dịp Tết

Dịp Tết, nhu cầu chơi lan hồ điệp tăng cao, các tốp thợ cắm hoa lan khắp miền Bắc lại quy tụ về Hà Nội. Những người thợ lành nghề có thể "bỏ túi" hàng triệu đồng mỗi ngày.

Tại chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 trước cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các cơ sở kinh doanh lan hồ điệp đang trưng bày nhiều chậu hoa lan đẹp mắt, giá thành lên tới cả tỷ đồng để phục vụ người dân chơi Tết, biếu tặng. Đây cũng là dịp để những người thợ cắm lan kiếm thêm thu nhập. Họ làm việc "luôn tay, luôn chân" để kịp bàn giao những chậu lan rực rỡ, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Anh Ngô Văn Nghiệp, quản lý một gian hàng lan hồ điệp tại chợ hoa cho biết, ngay từ sau Tết Dương lịch, nhu cầu của khách hàng bắt đầu tăng, cửa hàng phải thuê thêm hai nhóm thợ cắm hoa khoảng 10 người, làm việc từ sáng đến đêm. Lý giải về việc thuê thợ từ nhiều nơi, anh Nghiệp cho biết mỗi vùng có một phong cách cắm lan riêng, tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho từng sản phẩm.

Chú thích ảnh
Gần Tết, thị trường hoa lan sôi động, tạo điều kiện cho những người làm nghề cắm lan gia tăng thu nhập.
Chú thích ảnh
Để cắm được một chậu lan đẹp là cả một quá trình lao động, với trí óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo.
Chú thích ảnh
Tiền công thợ cắm lan dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/cành tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm.
Chú thích ảnh
Trung bình mỗi ngày, một người thợ lành nghề có thể cắm được 200 - 300 cành lan.
Chú thích ảnh
Những người thợ cắm lan có thể "bỏ túi" trên 3.000.000 đồng/ngày.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Yên Bái) cùng 17 người khác trong đội thợ đã xuống Hà Nội làm việc từ ngay sau Tết Dương lịch và dự kiến kết thúc vào ngày 28/1 (tức 29 Tết Nguyên đán 2025). Đây cũng là năm thứ 8 anh Tuấn Anh làm nghề cắm hoa lan Tết ở Hà Nội, còn ngày thường anh làm nông nghiệp tại quê nhà.

Theo anh Tuấn Anh, để hoàn thành một chậu lan đẹp có 4 bước chính. Đầu tiên, chọn chậu hoặc gỗ lũa có kích thước phù hợp, đặt miếng xốp vào đáy chậu sao cho các miếng xốp được phủ kín trong chậu. Tiếp theo, đặt các cành hoa lan vào chậu và dùng băng keo giữ cố định cây vào các cây ty sắt. Sau khi đặt và cố định xong, người thợ sẽ tạo dáng cho chậu hoa theo sở thích. Cuối cùng là trang trí chậu lan bằng các vật dụng như nơ, cây dẻo, dây mây cho sinh động...

“Mỗi ngày tôi cắm được khoảng 200 cành với giá 15.000 đồng/cành. Nếu làm đủ 28 ngày công đến Tết, trừ hết chi phí thuê nhà, ăn uống, tàu xe... tôi có thể thu về từ 70.000.000 - 80.000.000 đồng. Nghề này mỗi năm chỉ làm 1 tháng, nhưng cho thu nhập cao. Tuy nhiên, cũng phải tùy thuộc vào tình hình thị trường, nếu hoa lan bán chạy mình mới có công việc làm...”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Công việc cắm lan đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kỹ thuật cao, nên tiền công cũng được chi trả tương xứng với sức lao động của người thợ.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Bên cạnh những người thợ lành nghề, còn có các thợ phụ phụ trách các công đoạn đơn giản, với thu nhập thấp hơn vào khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày.
Chú thích ảnh
Vẻ đẹp tinh tế, độ bền cao cùng ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng đã khiến lan hồ điệp trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình trong dịp Tết.
Thế Đoàn/Báo Tin tức
Đường mới mở để giảm ùn tắc ở Hà Nội bị lấn chiếm 'triệt để'
Đường mới mở để giảm ùn tắc ở Hà Nội bị lấn chiếm 'triệt để'

Đoạn đường nhánh để giảm ùn tắc cho nút giao thông Láng - Yên Lãng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) đang bị hàng quán lấn chiếm, các phương tiện dừng đỗ tràn lan gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN