Theo nguồn tin nước ngoài, các quan chức Sở thú San Diego cho biết một khi thủ tục giấy tờ hoàn tất, một con gấu đực và một con gấu cái sẽ được đưa tới Mỹ sớm nhất vào cuối mùa hè này. Một trong hai con là đời sau của cặp gấu trúc nổi tiếng Bai Yun và Gao Gao. Trong khi Bai Yun là một trong những chú gấu trúc cuối cùng của Sở thú San Diego trở về Trung Quốc vào năm 2019 thì Gao Gao được sinh ra trong tự nhiên ở Trung Quốc và sống tại Sở thú San Diego từ năm 2003 đến 2018. Lần gần đây nhất Trung Quốc gửi gấu trúc sang Mỹ là cách đây 5 năm.
Bà Megan Owen thuộc Liên minh động vật hoang dã vườn thú San Diego kiêm phó Chủ tịch Khoa học bảo tồn động vật hoang dã cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy phía Trung Quốc bày tỏ sự nhiệt tình trong việc bắt đầu lại mối quan hệ hợp tác gấu trúc”.
Theo hãng tin AFP, tháng 11/2023, trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Bắc California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ông hy vọng đất nước mình sẽ bắt đầu gửi gấu trúc đến Mỹ một lần nữa sau. “Tôi được biết rằng nhiều người Mỹ, đặc biệt là trẻ em, thực sự không muốn nói lời tạm biệt với gấu trúc và đã đến sở thú để tiễn chúng”, ông Tập Cận Bình phát biểu.
Từ lâu, gấu trúc đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Mỹ-Trung kể từ khi Bắc Kinh tặng một cặp gấu trúc cho Vườn thú Quốc gia ở Washington, D.C. vào năm 1972, trước khi bình thường hóa quan hệ song phương. Sau đó, Trung Quốc đã cho các vườn thú ở Mỹ mượn gấu trúc để nhân giống.
Tuy nhiên, nghi ngờ các vườn thú của Mỹ ngược đãi gấu trúc, công chúng Trung Quốc muốn đòi lại các con vật.
Lo ngại về tương lai của ngoại giao gấu trúc đã leo thang vào năm ngoái khi các vườn thú ở Memphis, Tennessee và Washington, D.C., trả lại gấu trúc cho Trung Quốc, chỉ còn lại 4 con gấu trúc cuối cùng ở vườn thú Atlanta. Hợp đồng cho mượn sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Nhiều hợp đồng mượn gấu trúc có thời hạn 10 năm và thường được gia hạn. Nhưng các cuộc đàm phán năm ngoái để gia hạn thỏa thuận đã không mang lại kết quả. Giới quan sát suy đoán Bắc Kinh đang dần dần rút gấu trúc khỏi các quốc gia phương Tây do quan hệ ngoại giao với Mỹ và các nước khác đang xấu đi.
Theo bà Owen, Sở thú San Diego tiếp tục làm việc với các đối tác Trung Quốc ngay cả khi vườn thú này không còn con gấu trúc nào nữa.
“Chúng tôi luôn nói về ngoại giao gấu trúc. Ngoại giao là một phần quan trọng của việc bảo tồn trong bất kỳ bối cảnh nào. Chúng ta phải học cách làm việc cùng nhau, đôi khi trong những tình huống khó khăn hoặc những tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà bảo tồn”, bà Owen kết luận.