Sau Thượng Hải và An Huy, Nam Kinh có thể đã trở thành địa phương thứ ba ở Trung Quốc phát hiện trường hợp nhiễm cúm H7N9, đưa tổng số ca bệnh lên con số 4, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Tránh tiếp xúc với gia cầm là một biện pháp phòng ngừa bệnh cúm gia cầm. Ảnh: internet |
Nhật báo Tinh Châu số ra ngày 2/4 dẫn nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho hay giới chức Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) sơ bộ chứng thực có một bệnh nhân nữ 45 tuổi nghi bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, hiện đang được điều trị cách ly trong bệnh viện.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp thứ 4 ở Trung Quốc và trên thế giới nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9. Ba trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 trước đó được phát hiện tại thành phố Thượng Hải và tỉnh An Huy.
Hai trường hợp ở Thượng Hải đều là nam giới và đã tử vong do điều trị không hiệu quả. Còn trường hợp ở tỉnh An Huy là nữ giới, năm nay 35 tuổi, hiện bệnh tình nguy kịch, đang được điều trị tích cực trong một bệnh viện ở Nam Kinh.
Thông báo của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hoá gia đình Trung Quốc cho biết, biểu hiện lâm sàng của ba trường hợp này đều là viêm nhiễm đường hô hấp như sốt, ho, sau đó diễn biến thành viêm phổi nặng và hô hấp khó khăn.
Điều đáng lưu ý là vi rút cúm gia cầm H7N9 trước đây chỉ phát hiện có trong gia cầm, chưa phát hiện lây nhiễm ở người. Do vậy, cùng với việc số ca nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9 gia tăng, nỗi lo ngại về khả năng bùng phát bệnh dịch quy mô lớn trong dân cư đã dấy lên.
Hiện nay, ở Trung Quốc và trên thế giới đều chưa có vắc-xin phòng chống vi rút cúm gia cầm H7N9. Các chuyên gia cho biết, một khi xuất hiện các triệu chứng viêm hô hấp cấp như sốt, ho…, đặc biệt là sốt cao và hô hấp khó khăn, mọi người cần phải đi khám bác sĩ kịp thời.
Bên cạnh việc cần phải tránh tiếp xúc và ăn gia cầm chết, giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang và không khạc nhổ bừa bãi sẽ có thể phòng ngừa hữu hiệu các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm.
Hoàng Linh