Trung Quốc mở cuộc chiến chống phụ gia độc hại

Liên tiếp những ngày qua, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông tư liên quan đến vấn đề chất phụ gia thực phẩm. Đây là một nỗ lực nữa trong chiến dịch “làm sạch” ngành thực phẩm nhiều bê bối ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường: Bắc Kinh cam kết siết chặt quản lý chất phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: THX/TTXVN

Mới nhất là thông tư ngày 24/4 của Ủy ban An toàn thực phẩm thuộc chính phủ Trung Quốc quy định, các công ty thực phẩm, thương mại cần theo dõi chặt chẽ việc sản xuất cũng như bán tất cả các thực phẩm. Các công ty này phải kiểm tra vấn đề phụ gia với mọi hàng hóa đồng thời lưu giữ kết quả kiểm tra theo quy định.

Thông tư trên được công bố vài ngày sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đồng thời là người đứng đầu Ủy ban An toàn thực phẩm, cảnh báo về nguy cơ của phụ gia sử dụng bất hợp pháp trong thực phẩm. Nhà lãnh đạo này cam kết, chính quyền sẽ có “một thái độ thích đáng, những biện pháp mạnh tay và nhiều nỗ lực hơn nữa” trong giải quyết vấn nạn trên.

Những công ty không lưu giữ tài liệu, kết quả kiểm tra về phụ gia trong sản phẩm sẽ bị yêu cầu sửa đổi, khắc phục; còn những công ty đưa ra tài liệu giả mạo sẽ bị đình chỉ hoạt động cũng như chịu các hình thức xử phạt nghiêm khắc.

Thông tư nhấn mạnh việc nghiêm cấm sản xuất, bán các nguyên liệu độc hại có khả năng bị dùng trong sản xuất thực phẩm nếu không có giấy phép. Đồng thời, các công ty được phép sản xuất những nguyên liệu dạng này cũng phải áp dụng một hệ thống bán hàng thích hợp với người mua có tên tuổi, mục đích sử dụng rõ ràng. Tuyệt đối không bán cho các công ty thực phẩm hay thức ăn chăn nuôi.

9 năm và 151 cái tên trong “danh sách đen”

Từ lâu, vấn đề phụ gia độc hại đã khiến ngành thực phẩm Trung Quốc luôn phải hứng chịu những vụ bê bối nghiêm trọng. Điển hình là năm 2008, vụ “sữa bẩn” nhiễm hóa chất độc melamine đã làm 6 trẻ em tử vong, 300.000 trẻ em mắc bệnh về thận. Đây là một trong những vụ bê bối thực phẩm gây chấn động thế giới.

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Internet

Cũng trong một thông báo giữa tuần qua của Bộ Y tế Trung Quốc, phụ gia melamine bị mở rộng diện cấm sang toàn bộ lĩnh vực thực phẩm chứ không chỉ trong sữa bột trẻ em như trước kia, với giới hạn cho phép mới là 2,5 mg melamine/kg thực phẩm (với thực phẩm trẻ em, lượng cho phép tối đa chỉ là 1 mg/kg).

Đáng buồn hơn là không chỉ có melamine. Theo số liệu mới công bố của Ủy ban An toàn thực phẩm Trung Quốc, trong 9 năm qua, đã có 151 phụ gia bị liệt vào “danh sách đen” độc hại trong thực phẩm và thức ăn gia súc.


Danh sách này gồm 47 dạng nguyên liệu không thể ăn được nhưng lại bị dùng làm phụ gia thực phẩm, 22 phụ gia dễ bị lạm dụng và 82 chất bị cấm trong chăn nuôi gia súc. Chính phủ Trung Quốc đã liệt kê đầy đủ danh sách trên và đưa lên trang web của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp nước này. Có thể dễ thấy trong đó những “thủ phạm” gây bê bối trước đây như melamine hay đang làm dư luận xôn xao như ractopamine, chất tăng trọng trong chăn nuôi gia súc hay còn được gọi là “bột siêu nạc”.

Từ năm 2008, Bộ Y tế Trung Quốc bắt đầu công bố danh sách những phụ gia bị cấm trong lĩnh vực thực phẩm. Trước đó, từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp liệt kê những chất bị cấm trong chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, “danh sách đen” này cứ ngày một dài thêm cũng như những băn khoăn, lo âu của người tiêu dùng: Sữa bẩn, dầu ăn bẩn, bột siêu nạc, mỳ nhuộm, vừng nhuộm, giá đỗ nhiễm độc… Ngày càng nhiều những vụ việc bị phát hiện khiến dư luận hoang mang.

Một loạt động thái mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng vừa qua cho thấy Trung Quốc đang quyết tâm thúc đẩy chiến dịch “làm sạch” thực phẩm. Nhưng khó khăn lớn nhất đặt ra là phần lớn thực phẩm có vấn đề được sản xuất bởi các công ty nhỏ hay các hộ trồng trọt, chăn nuôi, nơi không dễ triển khai triệt để những tiêu chuẩn an toàn.

Miến nhuộm…mực in Tờ Nhật báo Quảng Châu ngày 24/4 đưa tin, gần 20 xưởng thực phẩm ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc) bị phát hiện làm miến với các chất phụ gia bị cấm, thậm chí trong đó có cả… mực in, Tại các cơ sở này, giới hữu quan tìm thấy bột ngô và nhiều thùng chất lỏng màu đen mà công nhân cũng không rõ là chất gì. Chiến dịch kiểm tra hoạt động sản xuất trên được tiến hành sau khi cuối tuần trước, tại một nhà máy ở thành phố Trung Sơn cùng tỉnh, các quan chức phụ trách an toàn thực phẩm tìm thấy 5 tấn miến khoai lang bị nhuộm. Miến làm từ khoai lang là một nguyên liệu chính trong chế biến các món theo khẩu vị Tứ Xuyên. Loại miến này có màu đen, nhưng trong suốt và làm từ bột khoai lang. Tuy nhiên, các xưởng ở Đông Quản dùng bột ngô rẻ tiền hơn để thay thế. Để tạo ra màu cũng như vị tương tự miến làm từ khoai lang, các cơ sở này đã sử dụng nhiều phụ gia độc hại như mực Tàu, nến sáp, thuốc nhuộm và nhiều hóa chất khác. Một chủ xưởng cho biết, chi phí làm 1 tấn miến với bột ngô và phụ gia bất hợp pháp chỉ vào khoảng 3.000 nhân dân tệ (NDT). Trong khi đó, miến “xịn” làm từ bột khoai lang và các nguyên vật liệu đúng quy định có chi phí hơn 5.000 NDT/tấn.


Trung Sơn
(P/v TTXVN tại Hồng Công)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN