Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông: Từ văn bản đến mục đích thực chất

Ngày 23/11, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố hoạch định vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Gần như ngay lập tức Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối quyết định này. Vậy Vùng xác định phòng không là gì? Liệu nó có dẫn đến nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông?

Những điểm cơ bản về ADIZ trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đưa ra


Từ điển thuật ngữ quân sự Mỹ (2005) định nghĩa: ADIZ là không phận trong một không gian xác định mà ở đó yêu cầu nhận dạng, địa danh, kiểm soát của các phương tiện bay phải được sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu. Mục đích chủ yếu của ADIZ là để bảo đảm các lợi ích an ninh quốc gia. Tính đến nay, có khoảng hơn 20 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Canada, Australia, Hàn Quốc, Italy... đã thiết lập ADIZ.

Máy bay P-3C Orion của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuần tra tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP


Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, có 6 điểm chính yếu được đề cập đến trong tuyên bố về ADIZ trên biển Hoa Đông.

Một là, tất cả các chuyến bay thuộc ADIZ trên biển Hoa Đông đều phải tuân thủ những quy định chung được quy định trong đây.

Hai là, các chuyến bay cần phải cung cấp những nhận dạng sau. 1/ Nhận dạng kế hoạch bay: Các kế hoạch bay phải được gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoặc Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc; 2/ Nhận dạng sóng radio: Phải duy trì liên lạc radio hai chiều, có phản hồi kịp thời và chính xác đối với các yêu cầu nhận dạng được phát đi từ cơ quan quản lý ADIZ của Trung Quốc, hoặc một cơ quan có thẩm quyền của nước này; 3/ Nhận dạng tiếp sóng: các máy bay nếu được trang bị radar tiếp sóng thứ cấp thì phải duy trì hoạt động trong toàn bộ hành trình qua ADIZ; 4/ Nhận dạng logo: Các máy bay phải đánh ký hiệu rõ ràng quốc tịch và logo đăng kí nhận dạng theo các hiệp định quốc tế liên quan.

Ba là: Các chuyến bay thuộc ADIZ cần phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý ADIZ trên biển Hoa Đông của Trung Quốc. Lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ vận dụng các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp để đáp trả việc máy bay không hợp tác trong nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ các hướng dẫn.

Thứ Tư, Bộ Quốc phòng Trung Quốc là cơ quan quản lý ADIZ trên biển Hoa Đông.

Thứ Năm: Bộ Quốc phòng Trung Quốc là đầu mối giải thích các quy định này.

Thứ sáu: Quy định này chính thức có hiệu lực từ 10 giờ sáng ngày 23/11/2013.

Mục đích thực sự của Trung Quốc

Theo đúng những gì mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, khả năng xảy ra xung đột liên quan đến ADIZ mà Trung Quốc đưa ra là có thể. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khả năng này là ít, vì ý định của Trung Quốc không phải là muốn phô trương sức mạnh quân sự hoặc kích thích xung đột, mà là nhằm làm nổi bật yếu tố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang có tranh chấp với Nhật Bản. Hai bên đều tránh một hành động như vậy, nói như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông làm “tăng nguy cơ của những hiểu lầm, toan tính sai lệch”.

Denny Roy, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Đông - Tây có trụ sở ở Honolulu nhận định: Việc lập ADIZ trên biển Hoa Đông là cách thức Trung Quốc muốn nhắc nhở Nhật Bản rằng Bắc Kinh thực sự nghiêm túc và sẽ giữ vững thái độ cứng rắn đối với vấn đề chủ quyền, cho đến khi nhận được sự nhượng bộ. Cụ thể hơn, Trung Quốc “muốn Nhật Bản thừa nhận là có tranh chấp lãnh thổ để tiến đến các bước cùng quản lý Điếu Ngư/Senkaku trên thực tế”.

Thế nhưng, có điều là Chính phủ Nhật Bản hiện chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy sẵn sàng chấp nhận có tồn tại tranh chấp. Giới chức tại Tokyo nhận định áp lực của Trung Quốc là thuốc thử cho quyết tâm của Nhật Bản. Nếu Tokyo nhân nhượng về Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh sẽ lại lấn tới trong nhiều vấn đề khác. Và chắc chắn, các phi công người Nhật cũng sẽ không tuân thủ yêu cầu xác định của Trung Quốc, một chuyên gia quân sự Nhật Bản nhận định, vì “điều này là không thể chấp nhận được, nó nghe như nếu chúng tôi buộc công nhận tuyên bố chủ quyền” đối với vùng lãnh thổ tranh chấp. Đó cũng là lời giải thích cho những tuyên bố đầy quyết tâm của giới lãnh đạo Nhật Bản trong vụ việc vừa qua: Coi hành động của Trung Quốc là “một chiều”, “không thể chấp nhận được”, “không có giá trị”...

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên xấu đi sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại 3 đảo tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân. Tranh cãi giữa hai nước liên quan đến ADIZ trên biển Hoa Đông chắc chắn sẽ còn tiếp tục, nhưng dường như “đây không phải là thời điểm để quân đội Trung Quốc, Nhật Bản tranh đấu về sức mạnh, thay vào đó là cuộc chiến giữa các nhà lãnh đạo hai nước để xem ai thông thái hơn” - một chuyên gia nhận định.


HT (Tổng hợp)

Nhật, Trung cùng triệu Đại sứ về vụ ADIZ
Nhật, Trung cùng triệu Đại sứ về vụ ADIZ

Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ). Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã triệu Đại sứ Nhật Bản tới sau khi Tokyo phản ứng về ADIZ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN