Trung Quốc lại phát hiện sữa nhiễm độc

Ngày 18/2, Trung Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay xử lý các công ty sản xuất trái phép sữa có sử dụng protein da. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực trấn an dư luận liên quan tới vụ bê bối sữa nhiễm độc này.

Protein da là loại protein được chiết xuất từ những mảnh da động vật, thường gặp nhất là protein được thủy phân từ da bò. Do đây là protein thật và có nguồn gốc từ bò nên rất khó bị phát hiện trong các sản phẩm sữa.

Để tìm được bằng chứng, các nhà chức trách phải căn cứ vào những chất cặn từ quá trình lưu hóa da. Chất protein được chiết xuất từ da bò không gây hại cho sức khỏe con người nhưng hóa chất dùng trong quá trình đó lại rất độc hại. Với hàm lượng cao, những hóa chất này, ví dụ như axít sunphuríc, có thể gây tử vong ở trẻ em và nguy cơ mắc bệnh viêm khớp xương mãn tính ở người lớn.

Trung Quốc tăng cường kiểm tra các sản phẩm sữa. Ảnh: AFP - TTXVN


Tổng cục Quản lý chất lượng, Giám sát và Kiểm dịch của Trung Quốc cho biết, loại protein này thường được dùng làm phụ gia chăn nuôi và đã bị chính phủ ngăn cấm sử dụng trong thực phẩm cho người từ tháng 2/2009. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, một số nhà sản xuất thực phẩm vẫn bổ sung chất này vào các sản phẩm sữa bột để nâng cao hàm lượng protein.

Protein da bắt đầu được sử dụng làm phụ gia sản xuất sữa sau vụ bê bối sữa nhiễm độc melamine hồi năm 2008 với hậu quả là 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 em mắc bệnh về thận. Tháng 3/2009, công ty sữa Chenyuan tại thành phố Kim Hoa, tỉnh Triết Giang đã bị đóng cửa sau khi các nhà chức trách phát hiện protein da được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm bệnh do sử dụng loại sữa này nhưng vụ việc khiến dân chúng hoang mang lo sợ và ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành sữa Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp nước này tuyên bố sẽ tiến hành 6.450 cuộc kiểm tra các sản phẩm sữa trên toàn quốc trong năm 2011.

Quang Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN