Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định gần như toàn bộ phần lõi và các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh sẽ cháy rụi khi đi vào bầu khí quyển. Nguy cơ từ việc va chạm với Trái đất là rất thấp.
“Ngày 29/4, tên lửa Trường Chinh 5B đã phóng thành công, đưa module lõi của trạm vũ trụ vào quỹ đạo. Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ mọi diễn biến khi xác tên lửa đáp xuống khí quyển. Theo các thông tin tôi nắm được, tên lửa được chế tạo từ một loại vật liệu đặc biệt, phần lớn phần lõi và các mảnh vỡ sẽ cháy rụi khi đi vào khí quyển. Nguy cơ mảnh vỡ gây thiệt hại với phương tiện đường không và các vật thể trên Trái đất gần như không có”, ông Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/5.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rời khỏi bệ phóng trên đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày 29/4, mang theo module lõi Thiên Hòa của trạm không gian Thiên Cung mà Bắc Kinh đang xây dựng riêng, dự kiến hoàn tất vào năm 2022, đưa vào sử dụng trong năm 2023. Phần lớn các bộ phận của tên lửa đã rơi trở lại Trái đất, nhưng vẫn còn một bộ phận nặng khoảng 22 tấn rơi "mất kiểm soát" bên ngoài không gian.
Mỹ và nhiều nước phương Tây lên tiếng bày tỏ lo ngại lõi và mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc có thể gây thiệt hại nếu rơi xuống khu vực dân cư. Về thời điểm rơi, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/5/2021 cho biết, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất trong ngày 8/5 (theo giờ Mỹ) và chỉ có thể xác định chính xác điểm rơi của mảnh vỡ vài giờ trước khi hồi quyển.
Truyền thông Trung Quốc có ý chỉ trích phản ứng thái quá của phương Tây. Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/5 cho rằng nhiều nước đang “thổi phồng” sự việc và khẳng định các mảnh vỡ của Trường Chinh 5B sẽ rơi xuống "vùng biển quốc tế".