Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ New York Times (Mỹ), bà Thạch Chính Lệ - nhà virus học tại Viện Virus học Vũ Hán, chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc - đã bác bỏ giả thuyết của Mỹ cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm nơi bà làm việc.
“Tôi không thể hiểu tại sao thế giới lại đi đến mức này, liên tục đổ lỗi cho một nhà khoa học vô tội? Làm thế nào tôi có thể đưa ra bằng chứng cho một thứ mà không có bằng chứng?", bà Thạch cho biết trong email trả lời phỏng vấn tờ New York Times.
Bà cũng khẳng định thông tin 3 đồng nghiệp của bà có thể đã bị mắc COVID-19 vào tháng 11/2019 là vô căn cứ: "Viện Virus học Vũ Hán không hề có các trường hợp nào bị bệnh như vậy. Nếu có thể, hãy cung cấp tên của những người này để chúng tôi kiểm tra".
Bình luận về phản ứng của bà Thạch Chính Lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết các nhà khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán là những người đầu tiên phát hiện trình tự gien của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Vũ Hán là nguồn gốc của đại dịch COVID-19, cũng như không thể suy luận rằng virus này do các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra.
"Nếu bất kỳ người nào công bố trình tự gien virus đầu tiên cũng đều bị đổ lỗi là người tạo ra virus SARS-CoV-2, thì Giáo sư Luc Antoine Montagnier, người đầu tiên phát hiện ra virus HIV, nên bị xem là người gây ra đại dịch AIDS toàn cầu, thay vì được trao giải Nobel", ông Triệu cho biết.
Do vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán nên được trao giải Nobel y học vì nghiên cứu của họ về virus SARS-CoV-2.
Vào tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia chung Trung Quốc-WHO, trong đó khẳng định rằng virus này rất khó bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
"Báo cáo cùng được viết bởi hơn 30 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, có tính đại diện rộng rãi và tính chuyên nghiệp cao. Đáng buồn thay, một số người ở Mỹ đã phớt lờ báo cáo này, kêu gọi điều tra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc đại dịch", ông nói thêm. Nhà ngoại giao này cho rằng điều này xúc phạm đến nghiên cứu chung do WHO đứng đầu và cũng vi phạm tinh thần khoa học.
“Nếu Mỹ thực sự minh bạch và có trách nhiệm, họ nên thể hiện thái độ cởi mở như Trung Quốc và mời ngay các chuyên gia quốc tế đến Fort Detrick (Mỹ) và những nơi khác để tiến hành điều tra chi tiết”, ông Triệu nêu quan điểm.
Nguồn gốc của COVID-19, căn bệnh khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng, đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia. Trong khi một số người cho rằng căn bệnh lây lan sang người từ động vật một cách tự nhiên, một số người khác lại tin vào giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Song Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm gần đây đã bùng lên và thu hút sự chú ý của dư luận, sau khi xuất hiện thông tin 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán từng bị ốm và nhập viện vào tháng 11/2019, trước khi Trung Quốc công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên.