Từ ngày 3/9, Cơ quan Phòng chống bão lũ tỉnh Chiết Giang đã nâng mức phản ứng khẩn cấp với bão lên cấp độ II, cao thứ 2 trong thang cảnh báo. Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn Chiết Giang, mọi tàu đánh cá trong tỉnh (hơn 11.600 chiếc) đều phải trở về cảng trong chiều 4/9 và trên 1.600 ngư dân cũng đã được yêu cầu về bờ. Trong khi đó, trên 2.300 người được sơ tán tới 170 địa điểm tạm trú an toàn trong tỉnh.
Tính đến 14h ngày 4/9, bão Hinnamnor được xác định đang ở vị trí cách đảo Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, 395 km về phía Đông Nam. Dự báo, bão sẽ tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc với tốc độ 15 km/h. Theo Cơ quan Khí tượng tỉnh Chiết Giang, dù nguy cơ bão gây sạt lở đất hầu như không có, nhưng cần đề phòng gió giật và mưa lớn gây ra những thảm họa thứ phát. Từ ngày 3/9, mưa lớn đã đổ xuống nhiều vùng ở tỉnh Chiết Giang, trong đó có các thành phố như Ninh Ba, Thiệu Hưng và Gia Hưng.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cũng dự báo bão Hinnamnor sẽ đổ bộ vùng biển ngoài khơi đảo Jeju trong tuần tới, gây mưa lớn trên cả nước và gió mạnh ở những vùng thấp. Đây là cơn bão số 11 ảnh hưởng đến nước này trong năm nay. Bão ở cấp độ "siêu mạnh" sẽ quét qua vùng biển cách Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 480 km về phía Đông Bắc vào sáng sớm 5/9 trước khi suy yếu thành bão cấp độ "rất mạnh" khi di chuyển tới vùng biển cách đảo Jeju của Hàn Quốc 340 km về phía Nam - Tây Nam vào chiều cùng ngày. Hàn Quốc phân loại bão gồm 4 cấp độ: trung bình, mạnh, rất mạnh và siêu mạnh.
Theo KMA, sau khi quét qua Jeju, sáng 6/9, bão Hinnamnor có thể sẽ gây lở đất phía Tây- Tây Bắc của thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc. Dù được dự báo sẽ hạ xuống cấp độ "mạnh" nhưng Hinnamnor vẫn là cơn bão mạnh nhất có thể gây lở đất tại Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tổ chức cuộc họp tại trung tâm ứng phó khủng hoảng thuộc Văn phòng Tổng thống để kiểm tra hệ thống ứng phó, chỉ đạo các bộ/ngành hữu quan triển khai các biện pháp ưu tiên phòng chống bão.
Các cảnh báo thời tiết sơ bộ đã được ban bố tại các thành phố ở miền Nam gồm Gwangju, Busan, Daegu và Ulsan cũng như các tỉnh lân cận. Từ chiều 4/9, Trung tâm Ứng phó thảm họa và đảm bảo an toàn đã nâng cấp độ phản ứng khẩn cấp lên mức 3, mức cao nhất, lần đầu tiên được kích hoạt cho hoạt động ứng phó bão trong vòng 5 năm qua. Chính phủ cũng khuyến nghị các trường học cho học sinh nghỉ hoặc chuyển sang học trực tuyến, các công ty tư nhân điều chỉnh giờ làm trong sáng 6/9 khi bão có thể gây sạt lở đất.
Nhiều vùng ở Hàn Quốc đã bắt đầu có mưa trong ngày 4/9 khi bão tiến đến. Lượng mưa cộng dồn đo được tại một số vùng trên đảo Jeju từ ngày 2 - 4/9 đã vượt 300 mm. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại gì về người và tài sản do ảnh hưởng của bão. KMA dự báo bão có thể gây mưa lớn với lượng mưa có thể lên đến từ 100 - 300mm trong các ngày từ 4 - 6/9, trong đó các vùng núi ở đảo Jeju có thể sẽ ghi nhận lượng mưa hơn 600 mm.
Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu đóng các tuyến đường tham quan các công viên quốc gia trên cả nước từ chiều 4/9, tạm hoãn vận hành 52 phà chạy trên 37 tuyến trong khi chính quyền đảo Jeju, tỉnh Nam Jeolla và một số vùng lân cận đã yêu cầu khoảng 33.000 tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn. Tổng cộng 198 người ở các vùng nguy hiểm tại Busan đã được sơ tán tới nơi an toàn, 12 chuyến bay đã bị hoãn. Hàn Quốc nâng cảnh báo bão từ mức "xanh" lên "vàng" từ ngày 3/9.
Cùng ngày 4/9, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo bão Hinnamnor có thể sẽ đổ bộ đảo chính Kyushu ở miền Tây Nam nước này trong ngày 6/9, đồng thời cảnh báo nguy cơ sóng cao, gió giật mạnh và lở bùn. Đây cũng là cơn bão số 11 đổ bộ Nhật Bản trong năm nay. Ngày 3/9, Nhật Bản đã khuyến cáo sơ tán 109.500 người dân tại các vùng Ishigaki, Miyako và các vùng khác ở Okinawa. Một số vùng tại tỉnh này đã xuất hiện gió mạnh 72 km/h và mưa 64 mm/h.
JMA khuyến cáo người dân ở các vùng phía Tây và Đông Nhật Bản cảnh giác mưa lớn và lở bùn, ngập lụt. Theo cơ quan này, dự báo trong 24 giờ tính đến trưa 5/9, mưa lớn có thể xảy ra ở nhiều nơi như Okinawa, đảo Kyushu và quần đảo Amami, với lượng mưa lên tới 180 mm/h.