Trong một tuyên bố, ông Lưu Bằng Vũ cho rằng các biện pháp kiềm chế nêu trên sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng lợi ích của các công ty cũng như nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ". Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thể hiện "quan ngại sâu sắc" trước lệnh cấm, cho rằng chính sách mới của Mỹ "ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".
Bộ trên nhấn mạnh Bắc Kinh có quyền thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ tôn trọng luật kinh tế thị trường, đảm bảo quy tắc cạnh tranh công bằng và tránh kìm hãm các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh tế - thương mại toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết lệnh cấm sẽ chỉ gây ra tác động hạn chế đối với các doanh nghiệp nước này, do lệnh chỉ áp dụng với các cá nhân, thực thể của Mỹ và hạn chế các khoản đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên, Seoul sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tác động của lệnh cấm trên đối với nền kinh tế và gửi ý kiến tham vấn cho Washington trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác.
Động thái này được cho là có thể gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm chỉ là biện pháp thắt chặt an ninh quốc gia và không gây chia rẽ hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau.