Hãng tin Anh Reuters dẫn thông cáo đăng tải trên trang mạng của bộ trên cho biết việc thành lập các doanh nghiệp liên doanh, công ty con hay mở rộng những thực thể có sẵn liên quan đến các cá nhân hoặc doanh nghiệp của Triều Tiên đều bị cấm tại Trung Quốc. Ngoài ra, đơn xin thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng đầu tư tại Triều Tiên của các công ty Trung Quốc cũng sẽ không được chấp thuận. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay tức thì.
Các tên lửa đạn đạo của đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trước đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và LHQ đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt mới nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên phải chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Trong nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng vừa được HĐBA thông qua hồi đầu tháng này, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản.
Nghị quyết này cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. Ước tính, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD/năm.
Cũng liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo các bộ phận của một lò phản ứng hạt nhân mới, trong khi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của một lò phản ứng sẵn có, vốn được sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho bom nguyên tử.
Trong một báo cáo thường niên trước Đại Hội đồng IAEA, cơ quan này cho rằng Triều Tiên đã đẩy mạnh những nỗ lực trong việc sản xuất nguyên vật liệu để chế tạo bom hạt nhân. Báo cáo trên, được đăng tải trên trang mạng của Đại Hội đồng IAEA, nêu rõ: "Đã có một số dấu hiệu tại công trường xây dựng lò phản ứng nước nhẹ (LWR) về sự gia tăng những hoạt động giống như sản xuất các bộ phận của lò phản ứng. Tuy nhiên, IAEA vẫn chưa thấy dấu hiệu của việc chuyển giao hay đưa vào hoạt động các bộ phận quan trọng ở trong tòa nhà chứa lò phản ứng". Dự kiến, lò phản ứng mới sẽ lớn hơn lò phản ứng thử nghiệm hiện nay ở Yongbyon.
IAEA không có thông tin trực tiếp từ Triều Tiên mà chỉ giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng chủ yếu thông qua hình ảnh vệ tinh.