Theo trang tin Oilprice.com ngày 27/3, khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin có lẽ đã tính đến thực tế rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva sẽ không phải là điều dễ dàng.
Đòn bẩy của Nga đối với phương Tây (và nhiều nền kinh tế quan trọng khác trên toàn thế giới) đã tăng lên trong nhiều năm với một nguồn cung dầu và khí đốt giá rẻ, đáng tin cậy. Để gây thiệt hại cho lĩnh vực kinh tế của Nga, thế giới cũng sẽ phải chịu nhiều tổn thất.
Nhưng cho đến nay, EU đã tăng cường các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga mà không gây ra quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của chính họ. Điều này phần lớn nhờ vào một thời điểm rất may mắn. Thay vì một mùa đông lạnh giá sẽ tăng khả năng sử dụng năng lượng của chính châu Âu đến giới hạn và nguy cơ khiến hàng triệu người châu Âu rơi vào tình trạng thiếu khí đốt, thì châu Âu đã trải qua một mùa đông ôn hòa khác thường cho phép họ vượt qua một cuộc khủng hoảng lớn.
Tuy nhiên, Nga cũng đã tránh được nhiều thiệt hại kinh tế mà thế giới đã từng dự báo trước đó trước các lệnh trừng phạt. Thứ nhất, mặc dù EU đã dần dần áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt năng lượng và nhập khẩu ít khí đốt hơn của Nga, nhưng họ đã rất chậm chạp trong việc kích hoạt các lệnh trừng phạt năng lượng sâu rộng và có ý nghĩa, vốn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của họ.
Thứ hai, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt – chiếm 45% ngân sách của Chính phủ Nga – đã tăng vọt nhờ giá quá cao. Thứ ba, các biện pháp bảo vệ kinh tế của Nga cực kỳ hiệu quả. Thứ tư, EU, Anh và Mỹ có thể đã liên kết với nhau để bóp nghẹt nền kinh tế, nhưng phần lớn thế giới thì không.
Từ rất lâu trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào Moskva đã là một điểm gây tranh cãi với Mỹ. Căng thẳng chính trị này lên đến đỉnh điểm với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đường ống lớn thứ hai trực tiếp chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Ngay cả trước khi xây dựng, Đức đã phụ thuộc vào Nga để có một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, mặc dù đường ống trị giá 11 tỷ USD này chưa bao giờ đi vào hoạt động.
Nhưng sự phụ thuộc của thế giới vào năng lượng Nga còn lâu mới kết thúc và ngành năng lượng hạt nhân quy mô lớn của Nga đã tránh được hoàn toàn các lệnh trừng phạt do tầm quan trọng đối với ngành điện hạt nhân toàn cầu.
Công ty năng lượng hạt nhân do nhà nước Nga điều hành Rosatom hiện đang kiểm soát nguồn nhiên liệu hạt nhân quan trọng trên toàn cầu, cung cấp các dịch vụ làm giàu và là nguồn tài trợ cho các cơ sở hạt nhân mới, vốn rất đắt đỏ đối với hầu hết các công ty tư nhân. Gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hoặc là ở Nga hoặc do Moskva xây dựng.
Và ngay cả lúc này, Rosatom vẫn đang mở rộng hoạt động của mình. Hiện tại, công ty đang tham gia xây dựng thêm 15 nhà máy hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, Nga đã và đang sử dụng vị thế hạt nhân của mình để tăng cường ảnh hưởng ở nhiều nước không đủ khả năng xây dựng các nhà máy đắt đỏ và phức tạp.
Vì vậy, ảnh hưởng hạt nhân ngày càng mở rộng của Nga đã giúp nước này có được đòn bẩy đáng kể trên khắp thế giới và sự thống trị đó đang được đền đáp. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga sẽ là một cơn ác mộng về mặt hậu cần và chính trị, do “sự phụ thuộc đan xen chặt chẽ vào Moskva”, theo lời của Tiến sĩ Paul Dorfman, Chủ tịch của Tập đoàn tư vấn hạt nhân NCG.
Tóm lại, dù nền kinh tế Nga có triển vọng không tốt trong năm nay, nhưng nước này có thể tiếp tục dựa vào ngành công nghiệp hạt nhân của mình để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.