Ngày 2/12, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ coi bất kỳ sự can thiệp nào vào vào tài sản không gian của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một lời tuyên chiến.
Theo Đài RT của Nga, trong tuyến bố, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên chỉ rõ vệ tinh Malligyong-1 là “lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nơi chủ quyền của nước này được thực thi” phù hợp với các hiệp ước quốc tế về thám hiểm không gian". Điều này có nghĩa là một cuộc tấn công nhằm vào vệ tinh Malligyong-1 sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào chính Triều Tiên. Cho nên, nếu có bất kỳ sự can thiệp nào với vệ tinh Malligyong-1, “vô số vệ tinh do thám của Mỹ bay trên khu vực bán đảo Triều Tiên mỗi ngày, có nhiệm vụ giám sát các địa điểm chiến lược quan trọng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ được coi là mục tiêu chính cần bị tiêu diệt”.
Đài RT cho biết thêm tuyên bố nêu trên được đưa ra sau bình luận của quan chức phụ trách quan hệ công chúng của Lực lượng Vũ trụ Mỹ Sheryll Klinkel khi trả lời câu hỏi của Đài Châu Á tự do về khả năng của Washington trong việc chống lại vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên. Quan chức này cho biết Lực lượng Hỗn hợp Mỹ có thể từ chối các dịch vụ về không gian và tiến hành đối phó không gian với đối thủ bằng nhiều phương tiện có thể đảo ngược và không thể đảo ngược, làm giảm tính hiệu quả và khả năng sát thương của các lực lượng đối phương trên tất cả các lĩnh vực.
Vào cuối ngày 21/11, Triều Tiên đã thực hiện một vụ phóng tên lửa từ một địa điểm phóng ở Tongchang-ri trên bờ biển phía Tây Bắc nước này. Hôm sau, KCNA đưa tin đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là “Chollima-1” mang theo vệ tinh do thám Malligyong-1. KCNA khẳng định vụ phóng vệ tinh là “quyền hợp pháp” của Bình Nhưỡng “nhằm tăng cường năng lực tự vệ”. KCNA cho rằng sự thành công nêu trên sẽ “góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Triều Tiên “phù hợp với môi trường an ninh được tạo ra ở bên trong và xung quanh đất nước do những động thái quân sự nguy hiểm của các kẻ thù”. Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng tại hiện trường và nhiệt liệt chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, kỹ thuật viên của NATA cùng các cơ quan hữu quan đã đạt được thành tựu to lớn, “góp phần nâng cao năng lực răn đe chiến tranh” của Triều Tiên, cũng như “thực hiện một cách chính xác nhất và xuất sắc nhất nghị quyết của Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên”.
Ngay sau vụ phóng, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc điện đàm. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đặc phái viên của nước này về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn đã điện đàm với những người đồng cấp Mỹ Jung Pak và Nhật Bản Hiroyuki Namazu. Tại cuộc điện đàm, các quan chức đã phản đối vụ phóng của Triều Tiên, bày tỏ quan ngại khi Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng sớm hơn 1 giờ so với thời điểm thông báo trước đó, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự an toàn của máy bay và tàu thuyền. Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại vụ phóng trên, cho rằng vụ phóng có thể “làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn an ninh trong khu vực”.
Theo hãng tin AFP của Pháp ngày 2/12, vụ phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 của Triều Tiên là nỗ lực thứ ba của Bình Nhưỡng nhằm đưa một vệ tinh như vậy vào quỹ đạo, sau hai lần thất bại trước đó. Trong bản tin với tiêu đề "Triều Tiên đe dọa phá hủy vệ tinh do thám của Mỹ", AFP cho biết thêm kể từ vụ phóng ngày 21/11, Triều Tiên tuyên bố vệ tinh Malligyong-1 của họ đã cung cấp hình ảnh về các địa điểm quân sự lớn của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng vẫn chưa tiết lộ bất kỳ hình ảnh vệ tinh nào đang sở hữu.
Sau vụ phóng vệ tinh do thám của Triều Tiên, vào ngày 1/12 (theo giờ địa phương), Hàn Quốc cũng phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của công ty vũ trụ SpaceX từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vanderberg ở bang California (Mỹ). Vệ tinh này do Hàn Quốc chế tạo trong nước sẽ hoạt động ở quỹ đạo cách Trái Đất 400 - 600 km, có thể phát hiện vật thể nhỏ tới 30 cm. Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc chia sẻ: “Tính tới độ phân giải và khả năng giám sát Trái Đất… công nghệ vệ tinh của chúng tôi đứng trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu trên toàn cầu”.