Diễn biến mới này khiến cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới vốn đã bị đình trệ càng rơi vào tình trạng bế tắc, đồng thời làm cho các cuộc đàm phán này càng ngày bị trì trệ và gần như không thể dự đoán được kết quả.
Thủ tướng Rutte, 54 tuổi, ngày 2/4 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với tỷ lệ sít sao sau khi Quốc hội Hà Lan thông qua một kiến nghị phản đối cách hành xử của ông Rutte trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ. Mặc dù vậy, lãnh đạo đảng ChristenUnie, ông Gert Jan Segers trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nederlands Dagblad, cho biết đảng này không thể là một phần của Chính phủ Hà Lan dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Rutte ở nhiệm kỳ thứ 4. ChristenUnie là một trong 4 đảng trong liên minh cầm quyền do đảng bảo thủ Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Rutte đứng đầu kể từ năm 2017.
Dự kiến, tuần tới, Quốc hội Hà Lan sẽ chỉ định một quan chức độc lập có nhiệm vụ đề ra cách thức nhằm thúc đẩy tiến trình thành lập chính phủ. Nhưng hai đảng được cho là không thể thiếu đối với đảng VVD là đảng Những người Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng D66, ngày 2/4 đã đưa ra kiến nghị phản đối và cho biết rất khó để ông Rutte có thể trở lại đàm phán.
Tuy nhiên, Thủ tướng Rutte cùng ngày tuyên bố sẽ không từ bỏ việc thành lập một chính phủ mới, đồng thời hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong những tuần tới. Một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Rutte đã giảm từ 54% trong một tuần trước đó xuống còn 25%.
Đảng VVD của Thủ tướng Rutter vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội sau cuộc bầu cử ngày 15-17/3 vừa qua. Các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ mới ở Hà Lan đã phải tạm ngừng vào ngày 25/3 sau khi Bộ trưởng Nội vụ Kajsa Ollongreen có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà Ollongreen chịu trách nhiệm lên kế hoạch thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử hồi tháng trước.