Người dân pha hóa chất để khử trùng đồ đạc nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả tại Likuni, ngoại ô thủ đô Lilongwe, Malawi ngày 27/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vắcxin phòng tả sẽ được sử dụng ở Zambia, Uganda, Malawi, Nam Sudan và Nigeria. Các chiến dịch phòng bệnh sẽ do Bộ Y tế của các quốc gia này thực hiện với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác trong Nhóm Đặc nhiệm toàn cầu chống bệnh tả. Ngoài chiến dịch trên, một chương trình khác cũng được thực hiện tại Yemen, nơi có khoảng 1 triệu trường hợp bị tiêu chảy nặng được ghi nhận trong năm 2017.
Dịch tả hoành hành ở hàng chục quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi và cả một số nước châu Á. Gần đây, sự gia tăng dịch bệnh đã được ghi nhận. Theo một quan chức của WHO, sự gia tăng này liên quan đến những thay đổi môi trường, bất ổn chính trị và các nhóm vũ trang, di cư và cả đô thị hoá.
Năm 2017, khoảng 150.000 trường hợp tại châu Phi bị nghi mắc bệnh tả và 3.000 ca tử vong. Hơn 10 triệu liều vắcxin đã được phân phối từ Sierra Leone đến Bangladesh. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, tại châu Phi đã ghi nhận 37.000 trường hợp mắc bệnh tả và gần 1.000 ca tử vong.
Ít nhất 12 vùng hoặc quốc gia ở vùng Nam sa mạc Sahara thông báo có sự lây truyền dịch bệnh. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, số liều vắcxin được sử dụng ước tính đã lên tới 15 triệu liều, con số rất lớn so với chỉ 1,5 triệu liều được sử dụng trên toàn thế giới trong 15 năm, từ 1997-2012.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng dù vắcxin được xem là vũ khí chủ chốt để chống bệnh tả, song còn nhiều khía cạnh khác không kém phần quan trọng cần lưu ý nhằm ngăn chặn dịch bệnh gây tử vong cao này là cải thiện chất lượng nước và vệ sinh dịch tễ, các trung tâm điều trị, hướng dẫn y tế, đào tạo nhân viên y tế và phối hợp với cộng đồng để phòng ngừa.