Nước ghi nhận thêm nhiều ca tử vong nhất trong ngày 28/2 là Mỹ với 1.849 ca, Brazil với 1.386 ca và Mexico 783 ca. Theo đó, đến nay Mỹ đã có tổng cộng 524.669 ca tử vong do dịch bệnh này - nhiều nhất thế giới. Sau Mỹ là Brazil với 254.263 ca, Mexico 185.257 ca, Ấn Độ 157.087 ca và Anh 122.705 ca.
Châu Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 51,4 triệu ca nhiễm; châu Âu ghi nhận hơn 34 triệu ca nhiễm; châu Á gần 30 triệu ca nhiễm. Trung Đông có 5.464.808 ca nhiễm và 104.046 ca tử vong, châu Phi có 103.669 ca tử vong trong số hơn 3,9 triệu ca nhiễm. Châu Đại Dương có 1.088 ca tử vong trong số hơn 51.161 ca nhiễm. Kể từ đầu mùa dịch, số xét nghiệm được tiến hành đã tăng lên đáng kể trong khi kỹ thuật xét nghiệm cũng được cải thiện, khiến số ca nhiễm được ghi nhận tăng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chưa được phát hiện.
Ngày 28/2, Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong số những người được tiêm vaccine đầu tiên có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, các bộ trưởng nội các, các quan chức và các chuyên gia y tế. Loại vaccine được Thái Lan sử dụng trong đợt tiêm chủng đầu tiên do hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vaccine này được dùng cho các đối tượng từ 18 đến 59 tuổi, do đó Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi, không nằm trong nhóm được tiêm lần này.
Cùng ngày, Campuchia thông báo các nhân viên thu gom và xử lý rác thải tại thủ đô Phnom Penh được tiêm vaccine miễn phí, nêu rõ họ nằm trong các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng.
Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 10/2 vừa qua sau khi nhận lô vaccine đầu tiên của công ty Sinopharm (Trung Quốc). Trong số các nhóm ưu tiên tiêm chủng có nhân viên y tế, thành viên và quan chức chính phủ, nhân viên và thành viên Thượng viện và Quốc hội, người đứng đầu chính quyền thành phố và các tỉnh, các lực lượng vũ trang, cảnh sát, nhà báo và nhân viên xử lý rác thải...
Trong khi đó, Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc (NMPA) thông báo đã cấp phép có điều kiện cho một loại vaccine tái tổ hợp mới phòng ngừa COVID-19. Loại vaccine này chỉ cần tiêm một liều và dành cho đối tượng trên 18 tuổi. Vaccine mới do một nhóm chuyên gia thuộc Học viện Kỹ thuật và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Trung Quốc nghiên cứu và phát triển.
Đây là loại vaccine được phê duyệt đầu tiên của Trung Quốc sử dụng phương pháp dựa vào nhóm virus adeno gây bệnh đường hô hấp làm trung gian truyền bệnh để đưa gen đột biến của virus gây bệnh vào trong cơ thể. Loại vaccine này có thể được vận chuyển và bảo quản trong môi trường nhiệt độ từ 2 độ C tới 8 độ C.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt vaccine của hãng Johnson & Johnson để sử dụng khẩn cấp, sau khi đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer và Moderna hồi tháng 12/2020. Theo FDA, vaccine của Johnson&Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi, có hiệu quả cao trong ngăn ngừa các triệu chứng nặng của bệnh COVID-19, trong đó có cả khả năng chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Johnson&Johnson đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 cung cấp được 20 triệu liều vaccine, và đến cuối tháng 6 cung cấp tổng cộng 100 triệu liều.
Trong khi đó, tài khoản Twitter chính thức của Sputnik-V thông báo đơn đăng ký vaccine Sputnik-Light đã được đệ trình để phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở Nga và một số quốc gia khác. Đây là vaccine dạng đơn giản của Sputnik-V, chỉ tiêm 1 mũi duy nhất và kháng thể được sinh ra 1 tuần sau khi tiêm. Đến nay, Nga đã cấp phép sử dụng 3 loại vaccine gồm Sputnik-V, EpiVacCorona và CoviVac.