Theo báo cáo được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố ngày 28/5, khoảng 41 triệu người, chiếm 6% tổng dân số trên toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đang sống ở các vùng đất thấp ven biển có nguy cơ đối mặt với mực nước biển dâng, lũ lụt và bão lớn. Chỉ riêng ở Caribe, con số này chiếm khoảng 17%.
Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem cho biết hàng triệu người, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, là những đối tượng chịu ít trách nhiệm nhất về cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng lại đang phải trả giá đắt khi các quyền lợi cũng như sức khỏe sinh sản và tình dục của họ không được đảm bảo. Bà nhấn mạnh biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có.
Báo cáo của UNFPA đã xác định hơn 1.400 bệnh viện trọng điểm nằm ở các vùng đất thấp ven biển, đồng thời sử dụng hình ảnh vệ tinh và các ước tính dân số để xác định các cộng đồng có nguy cơ cao nhất. Tại các quốc gia vùng Caribe như Suriname, Guyana và Bahamas, cũng như các đảo Aruba (thuộc Hà Lan) và quần đảo Cayman (thuộc Anh), những nơi này chiếm hơn 80% số bệnh viện trên.
Ecuador có số cơ sở y tế chiếm 12% số bệnh viện nằm ở các vùng đất thấp ven biển, trong khi con số này ở Haiti là 10% và ở Mexico - nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực - là hơn 5%. Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, có nhiều bệnh viện nhất ở các khu vực vùng trũng dễ bị tổn thương, với 519 cơ sở.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã cảnh báo về một mùa bão Đại Tây Dương hoạt động mạnh bắt đầu từ tháng 6 này do nhiệt độ nước biển ấm hơn kết hợp với ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết La Nina.
UNFPA đưa ra báo cáo trên trong bối cảnh các nhà lãnh đạo từ các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) nhóm họp tại Antigua & Barbuda thuộc vùng Caribe để thảo luận về các giải pháp kinh tế-chính trị, cũng như tác động của biến đổi khí hậu đối với các chính phủ bị mắc kẹt trong nợ nần đang chật vật tìm cách bảo vệ các khu vực ven biển dễ bị tổn thương.