Trật tự thế giới và quyền lực Nga hậu khủng hoảng Crimea

Những diễn biến gần đây tại Ukraine đã gợi lại những kí ức thù địch thời Chiến tranh Lạnh. Thật khó để dự đoán khủng hoảng lần này sẽ được đẩy lên một mức độ căng thẳng mới, hay sẽ hạ nhiệt.

Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là rất có thể “biến cố Crimea” sẽ tạo ra những hiệu ứng trong xác lập trật tự thế giới. Yếu tố quan trọng nhất ủng hộ viễn cảnh này là việc chuyển dịch quyền lực giữa các nước hiện khác xa so với thời Chiến tranh Lạnh.

Đó không phải là bức tranh của những năm 1980 hay đầu 1990 mà ở đó Ấn Độ và Trung Quốc chưa phải là cường quốc đang nổi. Còn nay, hai thực thể này cùng với Nga đã tạo ra những thực thể mới như nhóm các cường quốc mới nổi (BRICS), đóng góp vào các thiết chế mới như Nhóm G-20, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - nó cho thấy cán cân quyền lực hiện không còn quá nghiêng về một bên nào. Thực sự, New Delhi, Moskva và Bắc Kinh đã trở thành “những người chơi chính”, nhất là khi quyền lực thế giới đang chuyển dịch sang châu Á.

Chuyển động trong tam giác Trung - Nga - Ấn sẽ có tác động quyết định đến cục diện thế giới. Ảnh: Getty Images


Đối với Nga, các tổ chức như Nhóm BRICS, G-20, SCO có thể giúp Moskva có thêm sức mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ sự cảm ơn tới các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc về quan điểm của hai nước này về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Gần nhất, cả Bắc Kinh và New Delhi đều lên tiếng phản đối ý tưởng của một số cường quốc đòi loại Nga ra khỏi các cuộc gặp của G-20.

Một sự rạn nứt giữa Nga và phương Tây sẽ chỉ đưa đến việc Washington và Brussels sẽ chẳng có sự lựa chọn nào ngoài việc xây dựng một quan hệ gần gũi hơn với các thành viên của BRICS.

Washington rất quan tâm đến việc kéo New Delhi và Bắc Kinh khỏi mối dây bền chặt với Moskva. Mỹ đã nhận thấy rằng một BRICS khăng khít sẽ có tác động tiêu cực đến cách chính sách của họ nhằm vào Nga. Đó là lý do mà gần đây các chuyển động chính sách của Nhà Trắng đã hướng tới việc thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc cô lập Nga. Một quan chức Mỹ đã từng nói thẳng rằng “chúng tôi đang làm việc tích cực về ngoại giao để cô lập Nga, và điều đó có nghĩa cả với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác”.  Tuy nhiên, hiện thực hóa ý tưởng này không hề là điều dễ dàng.

Ấn Độ có thêm lý do để tăng cường quan hệ với Nga, khi mà New Delhi và Washington còn tồn tại những bất hòa. Không giống như người tiền nhiệm Bush, chính quyền Barack Obama đã không có các bước đi tích cực thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn. Chính những toan tính của Nhà Trắng trong việc ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Pakistan và Afghanistan đã làm Ấn Độ phật ý, đưa đến những rạn nứt giữa trong quan hệ Mỹ - Ấn.  Về phần mình, một Trung Quốc có sức nặng kinh tế ngày một lớn, cùng những tham vọng ở Thái Bình Dương luôn mâu thuẫn với các mục tiêu của Mỹ tại Khu vực.

Trong bất luận tình huống nào, gia tăng căng thẳng, hiềm khích Mỹ - Nga sẽ đa cực hóa thế giới, đẩy BRICS tới chỗ nghiêng về Nga. Với việc BRICS tạo hậu thuẫn chính trị, G-20 mang đến xung lực kinh tế và SCO luôn là cấu trúc tạo dựng an ninh cho Nga, kịch bản trật tự thế giới chắc chắn sẽ khác biệt nhiều so với giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh.

Sự đa cực hóa quyền lực quốc tế cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ với các thiết chế mới như BRICS sẽ tạo lập một trật tự thế giới mới. Quan hệ thân thiết giữa Nga với hai nước lớn trên cũng sẽ giúp Moskva có thêm sức mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.


Hoài Thanh (Theo RBTH)

Nga: Kiev phải dừng ngay việc nổ súng nhằm vào người dân Ukraine
Nga: Kiev phải dừng ngay việc nổ súng nhằm vào người dân Ukraine

Cộng đồng quốc tế cần phải yêu cầu chính quyền Kiev dừng ngay cuộc chiến nhằm vào chính những dân thường ở miền đông-nam Ukraine. Đó là phát biểu của Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin trong phiên họp của Hội đồng bảo an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN