Tranh cãi bỏ nội dung lịch sử cổ đại ra khỏi chương trình học ở Thụy Điển

Các trường công tại Thụy Điển có thể sẽ bỏ nội dung lịch sử cổ đại và lịch sử trung cổ trong chương trình học. Thay vào đó, học sinh nước này có cơ hội tiếp cận với chủ nghĩa hậu hiện đại và “những giá trị dân chủ”.

Chú thích ảnh
Trẻ em Thụy Điển trong tương lai có lẽ không biết đây là thứ gì. Ảnh: Global Look 

Kênh RT dẫn thông tin từ báo địa phương cho biết đề xuất gây tranh cãi này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ từ người dân Thụy Điển.

Cụ thể, phần lịch sử về “những nền văn minh cổ xưa trải dài từ thời tiền sử đến khoảng những năm 1700” sẽ bị lược bỏ khỏi chương trình học được đề xuất cho các trường tiểu học trên toàn quốc để tập trung vào lịch sử hiện đại và khoa học xã hội. Bà Anna Westerholm – người đứng đầu ban học thuật của Cơ quan Giáo dục Quốc gia Thụy Điển – cung cấp thông tin cho báo Svenska Dagbladet ngày 26/9. 

Theo báo Svenska Dagbladet, nội dung học về các thời đại hình thành như Đế chế La Mã và Viking giờ đây không còn trong chương trình học để khuyến khích các chủ đề như nhập cư, môi trường, khí hậu, giá trị dân chủ, vai trò-bình đẳng giới. Trọng tâm chương trình học cũng tập trung vào “quan điểm chủ nghĩa hậu hiện đại” của xã hội, thay vì truyền thống triết học cổ điển. Các lớp lịch sử sẽ chú trọng hơn vào chủ nghĩa thực dân phương Tây, chủ nghĩa dân tộc và buôn bán nô lệ.

Bà Anna Westerholm lấy lý do vì chương trình học quá tải đối với bộ môn lịch sử ở các trường nên giáo viên thường xuyên bị buộc phải lược bỏ một số nội dung. Điều đó có nghĩa là khi học về Chiến tranh Thế giới thứ II, họ không học về thời kỳ hậu chiến. 

“Chúng tôi thấy có vấn đề. Cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao nội dung và giờ học phù hợp với nhau. Chúng tôi biết rằng bộ môn lịch sử có quá nhiều nội dung và phải nhồi nhét rất nhiều. Giờ học không thể đủ. Cuối cùng chúng tôi nhận thấy việc lược bỏ nội dung lịch sử cổ đại và trung cổ gây ra ít ảnh hưởng nhất”, bà Anna chia sẻ.

Đề xuất của Cơ quan giáo dục quốc gia Thụy Điển đã khiến nhiều giáo sư và chuyên gia giáo dục bức xúc. Giáo sư lịch sử Dick Harrison nghĩ ý tưởng này là “kỳ quái và khó hiểu”, trong khi nhà phê bình văn học Maria Schottenius gọi đây là điều “điên rồ” và cảnh báo học sinh sẽ không có mối liên hệ với di sản thế hệ trước để lại.

“Thời đại cổ xưa, mang theo mình nguồn tư liệu lịch sử và khảo cổ độc đáo, thực sự là điểm khởi đầu hình thành khối kiến thức lâu dài. Nếu không có kiến thức về lịch sử, bạn có thể cũng không coi trọng tương lai”, học giả văn học cổ đại Jenny Wallensten làm việc cho Viện Athens nêu ý kiến, cho rằng đề xuất này “hoàn toàn vô lý”.

“Bỏ nội dung thời kỳ cổ đại khỏi chương trình giảng dạy lịch sử? Thật không may, hồi tôi còn giữ chức, cũng có đề xuất như vậy nhưng tôi đã ngăn chặn điều đó xảy ra”, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Jan Bjorklund đăng tải dòng trạng thái trên Twitter.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thay đổi nhận thức dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông
Thay đổi nhận thức dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông

70% số bài thi lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia 2019 có điểm dưới 5, và là môn có điểm thấp “đội sổ” trong các môn thi của kỳ thi này. Đây cũng là tình trạng chung về môn lịch sử trong những năm gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN