Báo cáo hàng tháng công bố ngày 18/5 của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng trước là 13,7 độ C, cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Ở Nam Bán cầu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4. Tháng 4/2015 là lần gần đây nhất không có mức nhiệt phá kỷ lục. Trong khi đó, lần cuối cùng Trái Đất có mức nhiệt không vượt mức trung bình thế kỷ 20 là tháng 12/1984 và lần cuối cùng có nhiệt độ lạnh kỷ lục là gần 100 năm trước, vào tháng 12/1916.
Nhiệt độ cao đột biến cũng đồng nghĩa với việc lượng tuyết trên toàn thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4 tại Bắc Bán cầu, thấp hơn mức trung bình của 30 năm trở lại đây khoảng 2,3 triệu km2.
Chuyên gia khí hậu học Andrew Dessler của Đại học Texas A&M cho biết kỷ lục nhiệt độ cao bị phá vỡ trong nhiều tháng liên tiếp cho thấy con người đang bước vào một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử khí hậu của nhân loại.
Trong khi đó, theo nhà khoa học Ahira Sanchez-Lugo của NOAA, hiện tượng ấm lên toàn cầu bắt nguồn từ hoạt động của con người là nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên, bên cạnh đó là El Nino - hiện tượng thời tiết cực đoan làm thay đổi nhiệt độ các vùng biển phía Đông Thái Bình Dương và kéo theo đó là nhiệt độ không khí - đã khiến mức nhiệt của năm 2015 đạt mức đỉnh điểm.
Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có", ấm hơn 0,5 độ C so với trung bình cùng kỳ 2015. Mặc dù El Nino đang dần giảm cường độ và hiện tượng La Nina gây nhiệt độ lạnh bất thường dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối năm nay, bà Sanchez-Lugo cảnh báo 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.