Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 13/6 đưa tin kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột Nga -Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của Đức từ Nga lại đang tăng mạnh.
Các nhà kinh tế nhận thấy rằng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga trong tháng 3/2022 đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giảm tới 64,1% trong tháng 4/2022.
Một trong những lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất là xuất khẩu máy móc, với mức giảm 57,7% so với tháng 4/2021 xuống còn 226,9 triệu euro (236 triệu USD), và xuất khẩu sản phẩm hóa chất, giảm 53,1% xuống 114,1 triệu euro. Những sản phẩm này đã trở thành đối tượng trừng phạt của EU đối với Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong khi đó theo Destatis, kim ngạch nhập khẩu của Đức từ Nga đã tăng 41,9% lên 3,7 tỷ euro. Các mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga là dầu thô và khí đốt tự nhiên, tăng 37,8% về giá trị lên mức 2,2 tỷ euro, bất chấp việc Chính phủ Đức đang nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ nước này. Theo báo cáo của Destatis, giá trị các mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác như than và các sản phẩm dầu cũng tăng cao.
Báo cáo của Destatis cũng chỉ ra rằng các đợt phong tỏa nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc trong năm 2022 đã không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ thương mại của nước này với Đức, bất chấp sự gián đoạn trong giao thông vận tải. Tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc tăng 52,8% lên 16,7 tỷ euro so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc lại giảm 1,5% xuống còn 8,3 tỷ euro. Destatis cho rằng trong khi xuất khẩu xe có động cơ và các linh kiện xe tăng nhẹ, thì xuất khẩu máy móc lại giảm đáng kể.
Cùng ngày 13/6, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Phần Lan cho biết Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành khách hàng chính nhập khẩu năng lượng của Nga trong hai tháng qua.
Cũng theo tổ chức phi chính phủ này, Nga đã thu về khoảng 93 tỷ euro để đổi lấy các dự án năng lượng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Trung Quốc đã chi trả 12,6 tỷ euro để nhập khẩu năng lượng so với mức 12,1 tỷ euro của Đức cho Nga, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) nói chung vẫn chiếm khoảng 61% doanh số bán năng lượng của Nga.