Ông Guterres cho rằng mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong vấn đề này, nhưng những người mắc chứng tự kỷ vẫn tiếp tục đối mặt với các rào cản xã hội và môi trường để thực hiện đầy đủ quyền và tự do cơ bản của họ theo Công ước về quyền của người khuyết tật và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Tổng thư ký LHQ nêu rõ: "Chúng ta phải làm tốt hơn nữa bằng cách thúc đẩy giáo dục toàn diện, tạo cơ hội việc làm một cách bình đẳng, quyền tự quyết và xây dựng môi trường, nơi mọi người đều được tôn trọng. Bên cạnh việc thực hiện những điều này, chúng ta cũng công nhận vai trò của gia đình, những người chăm sóc và mạng lưới hỗ trợ trong cuộc sống của những người mắc chứng tự kỷ".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận những đóng góp tích cực và đa dạng của người tự kỷ đối với xã hội, ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay với người tự kỷ để xây dựng thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ là ngày được quốc tế công nhận, lần đầu tiên tổ chức vào năm 2008. Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ, thúc đẩy sự hòa nhập với những người tự kỷ, đồng thời thúc đẩy phát hiện sớm, can thiệp sớm và hỗ trợ những người tự kỷ cùng gia đình của họ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện khoảng 1% số trẻ em trên toàn cầu mắc chứng tự kỷ. Một số đặc điểm của hội chứng này có thể được phát hiện ngay từ thời thơ ấu. Năng lực và nhu cầu của người tự kỷ rất khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Một số người tự kỷ có thể sống độc lập, nhưng cũng có người mất năng lực nghiêm trọng, cần sự chăm sóc và hỗ trợ suốt đời.