Trong thư gửi các nhà lãnh đạo G20, TTK LHQ Guterres nêu rõ: "Hiện G20 cần tăng cường các biện pháp mạnh mẽ và tham vọng hơn để các nước đang phát triển có thể đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và chặn đứng đà suy giảm của nền kinh tế thế giới, tránh nguy cơ rơi vào suy thoái toàn cầu". Ông nhấn mạnh thế giới cần một sự lãnh đạo thống nhất chưa từng có để đương đầu với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và phục hồi tốt hơn.
TTK LHQ khẳng định dịch COVID-19 là lời "cảnh tỉnh" đối với toàn bộ các nhà lãnh đạo thế giới rằng sự chia rẽ là mối đe dọa đối với loài người trong khi các biện pháp phòng chống dịch giúp tiết kiệm tiền của và cứu mạng sống của người dân. Theo ông, khủng hoảng dịch bệnh có nguy cơ đẩy thêm 115 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực, trong khi số người bị đói có thể tăng gần gấp đôi lên tới hơn 250 triệu người.
TTK LHQ cũng yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 giãn nợ cho các nước nghèo đến cuối năm 2021 cũng như tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho cả những nước có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương.
Về vaccine phòng COVID-19, TTK LHQ Guterres cho rằng các nước cần chống lại "mọi hình thức chủ nghĩa dân tộc vaccine" trong bối cảnh các cuộc thử nghiệm vaccine trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ và có thể sớm có vaccine được cấp phép sử dụng rộng rãi.
Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank Walter-Steinmeier đã kêu gọi Đức và châu Âu nên chia sẻ các loại vaccine tiềm năng với các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một bài viết trên báo Tagesspiegel (Tấm gương hàng ngày) ngày 17/11, Tổng thống Walter-Steinmeier đã kêu gọi Đức và châu Âu gửi đi một "tín hiệu chính trị" bằng việc sẵn sàng chia sẻ một phần vaccine cho các nước nghèo hơn, đặc biệt chú trọng tới bảo vệ lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch tại các nước này.
Tổng thống Đức đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) - hai hãng dược phẩm vừa thông báo những kết quả thử nghiệm vaccine hết sức khả quan.
Theo Tổng thống Walter-Steinmeier, việc bào chế vaccine cho kết quả khả quan như vậy là rất tích cực, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu châu Âu trở thành hình mẫu cho thế giới về chia sẻ vaccine với các nước nghèo. Việc hỗ trợ các nước nghèo hơn, tạo điều kiện cho tiêm chủng cho một bộ phận người dân các nước này là hành động thể hiện tình đoàn kết khi đại dịch đang tiếp tục cướp đi sự thịnh vượng và cả mạng sống người dân ở các nước.
Bên cạnh đó là nguy cơ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 biến thể và sau đó có thể quay trở lại gây nguy hiểm cho chính nước Đức và châu Âu. Tổng thống Steinmeier cũng bày tỏ hy vọng người đứng đầu chính quyền mới ở Mỹ cũng sẽ theo mô hình của Đức và châu Âu hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho các nước nghèo.
Liên quan tình hình phát triển vaccine ở Đức, ngày 17/11, Công ty dược phẩm Curevac của Đức thông báo sẽ mở rộng sản xuất một loại vaccine tiềm năng có tên CVnCoV trong cuộc chiến chống COVID-19. Thông qua việc xây dựng một mạng lưới sản xuất ở châu Âu, Curevac kỳ vọng có thể sản xuất được 300 triệu liều trong năm 2021 và tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2022.
Curevac là một trong nhiều công ty dược phẩm trên toàn thế giới đang gấp rút nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, vaccine của Curevac hiện mới ở giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng. Hồi đầu tuần, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ ký hợp đồng mua 405 triệu liều vaccine của Curevac.