Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội Tunisia đã thông qua dự luật mới về bầu cử và trưng cầu ý dân, theo đó các ứng cử viên tổng thống phải nộp bản kê khai tài sản và thuế của năm trước khi diễn ra bầu cử. Ngoài ra, bất kỳ ứng viên nào tham gia bầu cử tổng thống hay quốc hội sẽ không được phép tranh cử nếu có bài phát biểu đi ngược lại với nguyên tắc dân chủ và các điều lệ của Hiến pháp, hay có bài phát biểu kích động thù hằn, bạo lực và ủng hộ việc vi phạm nhân quyền.
Ủy ban Bầu cử Tunisia trước đó cũng đã thông báo các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống dự kiến sẽ diễn ra lần lượt vào ngày 6/10 và 10/11 tới. Hiện tổng số cử tri ở nước này vượt quá 7 triệu người.
Đây sẽ là lần thứ ba người dân Tunisia được tự do bỏ phiếu sau cuộc chính biến năm 2011 dẫn tới sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Zine El Abidine Ben Ali.
Tunisia được cho là quốc gia duy nhất xây dựng thành công nền dân chủ sau làn sóng nổi dậy tại Bắc Phi năm 2011 với việc chính quyền của Tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali sụp đổ mà không dẫn đến bạo lực. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, lãnh đạo đất nước vẫn chưa thể giải quyết được các thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, các vụ tấn công bạo lực cũng khiến các nhà đầu tư và khách du lịch ngần ngại đặt chân tới quốc gia này.
Cũng trong ngày 5/7, Tổng thống Essebsi đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, bắt đầu từ ngày 5/7. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc tham vấn với Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed và Chủ tịch Hội đồng Đại diện Nhân dân Mohamed Ennaceur. Tunisia lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 24/11/2015, sau một vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một xe chở lực lượng bảo vệ tổng thống, khiến 12 đặc vụ thiệt mạng.