Theo Politico, đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, Tổng thống Trump đã điều chỉnh để nội các thêm ổn định và hợp ý ông. Tháng 10/2018, một cố vấn Nhà Trắng chia sẻ với Politico rằng “đến năm 2020 Tổng thống Trump muốn có đội ngũ hạng A mạnh nhất”.
Khi Tổng thống Trump bước vào cuộc họp nội các được lên lịch vào ngày 23/7, có tới 4 trong tổng số 23 người trên bàn họp mang chức danh tạm quyền, trong đó có quyền Bộ trưởng Anh ninh Nội địa và quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Thời gian gần đây, nhiều quan chức trong nội các của Tổng thống Trump như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, đã khiến Nhà Trắng đối mặt với thêm bất ổn khi xuất hiện tin đồn họ cũng sẽ ra đi.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với kết quả đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện, tình hình nhân sự trong nội các chính quyền Tổng thống Trump nhanh chóng có nhiều thay đổi. Chỉ trong vài tháng sau đó, Bộ trưởng Nội địa Ryan Zinke, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen đều rời bỏ chiếc ghế lãnh đạo của họ.
Nhưng những nhân vật tạm quyền cũng gây phiền lòng tại Nhà Trắng. Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Pat Shanahan từng “quá thân thiết” với Boeing, nơi ông gắn bó trong thời gian dài. Bộ trưởng Lao động Alex Acosta từng chậm trễ trong việc thay đổi các quy định dưới thời Tổng thống Obama khiến nhiều doanh nghiệp và cố vấn Nhà Trắng thất vọng. Nhiều quan chức Nhà Trắng còn không đồng tình với Bộ trưởng Y tế và Nhân sinh Alex Azar về Medicaid, Obamacare và giá thuốc.
Bộ trưởng Nội các Mỹ William McGinley được cho sẽ rời bỏ chức vụ trong thời gian tới sau khi từng hỗ trợ Tổng thống Trump kể từ ngày ông tuyên thệ nhậm chức. Nhà Trắng vẫn chưa bình luận về nhân vật tiềm năng có thể thay thế cho ông McGinley.
Từ năm 2017 tới nay có tới 9 thành viên trong nội các Tổng thống Trump rời Nhà Trắng. Theo Viện Brookings, đây là chính quyền có biến động nhân sự cao nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Cũng theo Viện Brookings, chính quyền Tổng thống Barack Obama không hề có cá nhân nào rời nội các trong 2 năm đầu nhiệm kỳ.
Bà Kathryn Dunn Tenpas tại Viện Brookings đánh giá: “Số người ra đi trong nội các chính quyền Tổng thống Trump qua 30 tháng đã vượt qua cả 5 Tổng thống trước đó”. Có ý kiến cho rằng tình trạng “dứt áo ra đi” số đông này là hậu quả từ quyết định chính sách mà Tổng thống Trump thi hành.
Một quan chức cấp cao nói: “Một số cơ quan nơi Tổng thống Trump quan tâm đến chính sách của họ như Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Nhưng dẫn đầu cơ quan đó thực sự là công việc khó khăn nhất trong chính phủ và gần như không thể tạo ra kết quả mà Tổng thống mong muốn”.
Tổng thống Trump từng ghi nhận ông ưa thích các quyền Bộ trưởng hơn người được Thượng viện phê chuẩn bởi họ đem lại tính linh hoạt, lòng trung thành. Ngay cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney vốn làm việc tại Cánh Tây từ tháng 12/2018 cũng chưa được Thượng viện phê chuẩn nên vẫn chỉ tạm quyền.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper dự kiến điều trần trước một ủy ban Thượng viện trong ngày 23/7 sau nhiều tháng giữ chức vụ.
Ông Chris Lu, cựu quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, đánh giá: “Tổng thống Trump nghĩ rằng các quyền Bộ trưởng giúp đảm bảo tính trung thành. Nhưng bạn cần khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và duy trì thúc đẩy nghị trình chắc chắn”.