Tổng thống Trump thông báo tin quan trọng, phát thêm tín hiệu giảm leo thang thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý về một thông báo thương mại quan trọng sẽ được đưa ra vào thứ 8/5, theo giờ địa phương. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy khả năng giảm bớt căng thẳng từ các mức thuế quan cao lịch sử, vốn đã đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tối 7/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social rằng: “CUỘC HỌP BÁO LỚN vào sáng mai lúc 10h00, tại Phòng Bầu Dục, liên quan đến MỘT THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI QUAN TRỌNG VỚI ĐẠI DIỆN CỦA MỘT QUỐC GIA LỚN VÀ RẤT ĐƯỢC TÔN TRỌNG. THỎA THUẬN ĐẦU TIÊN TRONG NHIỀU THỎA THUẬN SẮP TỚI!!!”.

Trong bài đăng của mình, Tổng thống Trump không nêu rõ quốc gia nào, nhưng theo CNN, chính quyền ông đã cho thấy họ đang đàm phán tích cực với Ấn Độ, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro, nói với CNN hôm thứ Ba (6/5) rằng ông nghi ngờ Vương quốc Anh có thể là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ.

“Tôi không chắc là Anh hay Ấn Độ sẽ là nước đầu tiên, vì có một chút trục trặc với câu chuyện Ấn Độ, điều đó có thể làm chậm tiến trình, nhưng tôi có thể đảm bảo với người dân Mỹ rằng sẽ có các thỏa thuận, và đó sẽ là những thỏa thuận rất tốt cho người dân Mỹ”, ông Navarro nói.

Tờ Financial Times hôm 6/5 cũng đưa tin rằng một thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh có thể được ký trong tuần này và có thể miễn cho Mỹ một số rào cản thương mại phi thuế quan, bao gồm thuế dịch vụ kỹ thuật số 2% mà London áp dụng với các công ty công nghệ Mỹ. Đổi lại, Mỹ có thể giảm bớt gánh nặng thuế đối với Vương quốc Anh, chẳng hạn như giảm hoặc miễn thuế 25% đối với nhôm, thép và ô tô.

CNN cho biết thêm trong nhiều tuần qua, các quan chức của Trump đã nói rằng họ đang đàm phán với hơn một chục quốc gia và sắp đạt được thỏa thuận, nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được công bố. Tổng thống Trump thường nói rằng ông không vội ký thỏa thuận, cho rằng các quốc gia đã “lợi dụng” Mỹ suốt nhiều năm và các mức thuế cao mà Mỹ áp đặt sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại.

Không chắc là một “thỏa thuận” thực sự

Bất chấp tuyên bố của chính quyền rằng họ đang trong quá trình đàm phán thương mại cấp cao với hơn một chục quốc gia, các thỏa thuận thương mại thực sự thường mất rất nhiều thời gian, thường là nhiều năm, để đàm phán. Chúng thường liên quan đến các điều khoản rất phức tạp, bao gồm các chi tiết cụ thể về hàng hóa và các rào cản phi thuế quan. Chúng cũng thường liên quan đến các cân nhắc chính trị quan trọng, khi các bên cố gắng bảo vệ cử tri có lợi ích đặc thù.

Thay vào đó, “thỏa thuận” mà Tổng thống Trump gợi ý nhiều khả năng chỉ là một bản ghi nhớ hợp tác (MOU). Điều này có thể dẫn đến việc giảm thuế quan cho hàng hóa của một quốc gia cụ thể trong ngắn hạn, nhưng sẽ không mang lại lợi ích kinh tế lớn trong thời gian dài.

Và đây chỉ là một thỏa thuận đơn lẻ. Các mức thuế “có đi có lại” bắt đầu có hiệu lực vào ngày 7/4 và được tạm hoãn 90 ngày vào ngày 9/4 đang ảnh hưởng đến hàng chục quốc gia. Hàng hoá của khoảng 100 quốc gia khác cũng đang phải chịu mức thuế cơ bản 10%. Chính quyền Trump không thể hoàn thành tất cả các thỏa thuận đó trước ngày 8/7.

Nhà phân tích chính sách thương mại Jacob Jensen tại Viện Hành động Mỹ cho rằng “việc tạm dừng thuế 90 ngày — hiện đã trôi qua khoảng 25% thời gian — không để lại nhiều thời gian cho các cuộc đàm phán thương mại kiểu đi tới đi lui vốn cần nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm”.

“Có sự khác biệt lớn giữa các thỏa thuận chính thức bằng văn bản và những cam kết miệng về việc mua thêm sản phẩm của Mỹ vì thỏa thuận chính thức có ý nghĩa kinh tế dài hạn còn lời hứa miệng có thể bị phớt lờ sau này”, ông Jensen nói thêm.

Tổng thống Trump cũng nói hồi tháng trước rằng ông sẽ không gia hạn tạm hoãn thuế lần hai — và thậm chí có thể sẽ sớm khôi phục một số mức thuế với những quốc gia mà chính quyền không đạt được thỏa thuận, có thể chỉ trong vòng vài tuần.

“Thật khó để Đại diện Thương mại Mỹ có thể đàm phán tới 100 thỏa thuận riêng biệt trong vòng 90 ngày, nên Tổng thống Trump sắp tới phải quyết định xem có khôi phục thuế hay tiếp tục trì hoãn”, ông Jensen nhận định.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận với tất cả các quốc gia, cũng không có gì đảm bảo ông Trump sẽ giữ lời. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump là người dẫn đầu việc đàm phán thỏa thuận USMCA với Canada và Mexico, nhưng ông đã từ bỏ nó trong nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời áp thuế 25% lên một số hàng hóa từ Mexico và Canada. Bằng việc áp thuế nặng gần như toàn bộ hàng hóa nhập vào Mỹ, ông Trump cũng đã làm gián đoạn nhiều thỏa thuận thương mại hiện có với các đồng minh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Dấu hiệu giảm leo thang

Dẫu vậy, theo CNN, việc ông Trump công bố thỏa thuận thương mại là dấu hiệu quan trọng thứ hai trong tuần này cho thấy Washington có thể sẵn sàng đàm phán để cuối cùng giảm bớt một số mức thuế với các quốc gia nước ngoài.

Hôm 6/5, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng ông và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ cùng đến Geneva, Thụy Sĩ, để gặp các đối tác Trung Quốc.

Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói với Fox News rằng không nên kỳ vọng sẽ có thỏa thuận lớn từ các cuộc họp, nhưng ông thừa nhận đây là một bước quan trọng trong đàm phán và có thể giúp giảm căng thẳng vốn đã khiến Mỹ áp thuế ít nhất 145% với phần lớn hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, vào ngày 7/5, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không giảm các mức thuế cao hiện nay với Trung Quốc trước khi bắt đầu đàm phán - điều mà Bắc Kinh từng yêu cầu như một điều kiện tiên quyết.

Khi được hỏi tại Phòng Bầu Dục liệu ông có sẵn sàng rút lại các mức thuế cao lịch sử để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán hay không, Tổng thống Trump chỉ trả lời ngắn gọn: “Không”.

Dù vậy, bất kỳ sự tan băng nào trong cuộc chiến thương mại cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai quốc gia và trên toàn thế giới.

Các mức thuế trừng phạt đã gây tổn thất cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là của Mỹ. Lần đầu tiên trong ba năm, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm trong quý I/2025 khi các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa trước các mức thuế “Ngày Giải phóng” của ông Trump.

Dù cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung là căng thẳng nhất, Tổng thống Trump cũng đã áp thuế lớn lên hầu hết các quốc gia khác: Áp mức thuế cơ bản 10% với gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, cộng thêm thuế 25% với thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô và một số hàng hóa từ Mexico và Canada.

Vì vậy, thế giới đang theo dõi chặt chẽ thông báo vào ngày 8/5 của Washington và các cuộc đàm phán Mỹ - Trung vào cuối tuần này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell hôm 7/5 phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các mức thuế có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông Powell nói các cuộc đàm phán thương mại mà Mỹ đang tiến hành với các nước có thể giúp ngăn chặn kịch bản xấu nhất.

Các nhà kinh tế toàn cầu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự đoán cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu, làm chậm tăng trưởng ở một số nước và khiến lạm phát tăng trở lại. Nhiều nhà kinh tế Mỹ và các ngân hàng lớn cũng dự báo Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Tổng thống Mỹ sẽ xem xét miễn thuế đối với các sản phẩm dành cho trẻ em
Tổng thống Mỹ sẽ xem xét miễn thuế đối với các sản phẩm dành cho trẻ em

Phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ ngày 7/5, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét miễn thuế đối với ghế ngồi ô tô trẻ em, cũi trẻ em, xe đẩy và các sản phẩm chăm sóc trẻ em và trẻ sơ sinh khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN