Trên trang mạng cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ: “Sắc lệnh (trừng phạt) do Bộ Tài chính Mỹ ban bố ngày hôm nay sẽ bổ sung thêm những đòn trừng phạt đã có nhằm vào Triều Tiên. Tôi ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt bổ sung này”. Chưa rõ “các lệnh trừng phạt bổ sung” mà Tổng thống Trump đề cập là những biện pháp nào.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này đã áp đặt trừng phạt 2 công ty tàu biển của Trung Quốc với cáo buộc "hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington", đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.
Hai công ty của Trung Quốc là Công ty TNHH Quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty TNHH Giao nhận quốc tế Liêu Ninh Danxing bị phong tỏa tất cả các tài sản ở Mỹ và không được phép tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Các cá nhân và công ty làm ăn với 2 công ty này có thể phải đối mặt với các hình phạt của Mỹ.
Đây là những biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp đặt kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đây chỉ là thực thi các biện pháp trừng phạt chứ không phải là gia tăng sức ép đối với Triều Tiên. Ông Mnuchin khẳng định Mỹ và các đối tác vẫn cam kết đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tin rằng việc thực thi đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên "là quan trọng để đạt kết quả thành công".
Trong nhiều năm qua, Mỹ và LHQ đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên, cấm vận chuyển hoặc bán công nghệ, các mặt hàng cao cấp, nhiên liệu và các thiết bị quân sự cho quốc gia này.
Cũng trong ngày 22/3, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon khi được hỏi liệu đã có các cuộc tham vấn về việc tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay chưa, ông Lee cho rằng chưa đến lúc thảo luận về vấn đề này, nhấn mạnh "điều quan trọng nhất là tiếp tục đối thoại, thay vì gây sức ép".
Sự hoài nghi về tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như mong đợi. Mới đây nhất, Triều Tiên đã thông báo quyết định rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong. Seoul sau đó đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay lại để văn phòng có thể tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận của hai bên.
Ngoài các đòn trừng phạt của Mỹ, Bình Nhưỡng hiện cũng đang phải gánh chịu một số nghị quyết trừng phạt quốc tế. Năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết số 1718 nhằm phản ứng với hành động của Bình Nhưỡng và áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này. Từ đó cho tới nay, HĐBA đã thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á sau những vụ thử tiếp theo.
Cụ thể, Triều Tiên đang phải chịu khoảng 11 biện pháp trừng phạt từ HĐBA LHQ. Hãng tin AFP dẫn nguồn LHQ cho biết các lệnh trừng phạt liên quan 4 lĩnh vực chính là thương mại, vũ khí, vận chuyển hàng hải, ngoại giao và tài chính.
Cấm vận thương mại bao gồm cấm xuất khẩu than, sắt và quặng sắt (trừ các mặt hàng phục vụ cho sinh kế của người dân); cấm xuất khẩu kim loại quí; cấm nhập khẩu nhiên liệu hàng không và tên lửa (trừ sản phẩm phục vụ các chuyến bay thương mại). Các lệnh cấm vận vũ khí gồm cấm bán cho Triều Tiên các vật liệu có thể được sử dụng cho mục đích quân sự (vũ khí, phương tiện...); cấm hợp tác trong các vấn đề an ninh và quân sự.
Các chế tài liên quan hàng hải gồm thanh tra một cách có hệ thống toàn bộ kiện hàng đến và rời đi từ Triều Tiên; cấm cập cảng tất cả các tàu thuyền nghi chở hàng lậu từ Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt ngoại giao cho phép các quốc gia trục xuất các quan chức ngoại giao Triều Tiên hoặc người quốc tịch nước ngoài tham gia vào các thỏa thuận bất hợp pháp có lợi cho Bình Nhưỡng. Cùng với những chế tài trên là các lệnh cấm bán hàng hóa xa xỉ, mở rộng đóng băng tài sản của Chính phủ Triều Tiên, đảng cầm quyền và tài sản ngân hàng ở nước ngoài.
Tháng 9/2017, HĐBA thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 diễn ra ngày 3/9 cùng năm, trong đó có các biện pháp cấm cung cấp, bán hoặc vận chuyển tất cả các loại khí ngưng tụ, khí đốt hóa lỏng cho Triều Tiên; cấm xuất khẩu hàng dệt may Triều Tiên (vải và hàng thêu trang trí); cấm các nước cấp mới giấy phép lao động cho công dân Triều Tiên sinh sống ở nước ngoài.
Video Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên bắt tay nhau tại Hà Nội (Nguồn: AP)
Những biện pháp trên được cho là tác động không nhỏ tới nền kinh tế và đời sống của người dân Triều Tiên. Với mong muốn cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận và tạo cơ hội phát triển cho Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un trong những năm gần đây đã bắt đầu các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội lúc nửa đêm 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng Bình Nhưỡng muốn dỡ bỏ 5 nghị quyết trừng phạt của LHQ, đặc biệt là những chế tài tác động tới đời sống người dân Triều Tiên. Theo ông Ri Yong-ho, Bình Nhưỡng mong muốn dỡ bỏ trước mắt một phần các lệnh trừng phạt mà HĐBA đã áp đặt với Bình Nhưỡng.