Tổng thống Trump: Israel sẽ là lực lượng dẫn đầu nếu phải tấn công Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Israel sẽ là “lực lượng dẫn đầu” nếu phải tấn công quân sự nhằm vào Iran trong trường hợp Iran không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tại Nhà Trắng ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin AP, ông Trump nói vào ngày 9/4 (giờ Mỹ): “Nếu cần phải dùng đến quân sự, chúng tôi sẽ sử dụng quân sự. Israel rõ ràng sẽ tham gia rất tích cực. Họ sẽ là lực lượng dẫn đầu. Nhưng không ai dẫn dắt chúng tôi cả, chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn làm”.

Ông Trump đưa ra phát biểu này trước cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào cuối tuần giữa quan chức Mỹ và Iran tại Oman.

Đầu tuần này, ông nói cuộc đàm phán sẽ là trực tiếp, trong khi Iran mô tả đó là cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ.

Mỹ ngày càng lo ngại khi Iran đang tiến gần hơn bao giờ hết tới giai đoạn sở hữu một loại vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được. Tuy nhiên, ông Trump nói rằng ông không có mốc thời gian cụ thể để hai bên đạt được thỏa thuận sau các cuộc đàm phán. Ông nói: “Khi bắt đầu đàm phán, ta không biết liệu đàm phán có tiến triển tốt hay không. Và tôi đoán rằng đàm phán sẽ không tiến triển tốt. Đó chỉ là cảm nhận thôi”.

Năm 2015, Mỹ và các nước khác đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện và dài hạn, giới hạn hoạt động làm giàu urani của Iran và nước này sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân này vào năm 2018, gọi đó là thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Đầu tuần này, ông Trump cảnh báo Iran rằng họ sẽ gặp nguy hiểm lớn nếu các cuộc đàm phán không thuyết phục được họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Nếu đàm phán không thành công, tôi nghĩ đó sẽ là một ngày rất tồi tệ cho Iran”. Ông Trump liên tục kêu gọi Iran từ bỏ chương trình hạt nhân nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Trước đó, ngày 8/4, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết nước này và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp tại Oman vào ngày 12/4. Trên mạng xã hội X, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nêu rõ: "Đây vừa là cơ hội, vừa là phép thử". Ông cũng lưu ý thêm rằng tiến trình này phụ thuộc vào sự sẵn sàng từ phía Mỹ.

Hai nước từng tiến hành một số vòng đàm phán gián tiếp dưới thời Tổng thống Joe Biden song hầu như không đạt được tiến triển nào. Các cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa hai bên diễn ra dưới thời Tổng thống Barack Obama và đến nay, Iran vẫn một mực tuyên bố chỉ đàm phán gián tiếp với Mỹ qua trung gian là Oman.

Bất chấp kế hoạch đàm phán, ngày 9/4, Bộ Tài chính Mỹ vẫn thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran. Các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng với 5 thực thể và 1 cá nhân ở Iran, viện dẫn lý do ủng hộ chương trình hạt nhân mà Mỹ cho rằng nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Những thực thể này được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hai tổ chức trong danh sách trừng phạt trước đây là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) và Công ty Công nghệ ly tâm Iran (TESA).

Thùy Dương/Báo Tin tức
Cơ hội hay bế tắc từ việc Mỹ - Iran nối lại đàm phán
Cơ hội hay bế tắc từ việc Mỹ - Iran nối lại đàm phán

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề hạt nhân Iran là công việc còn dang dở từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN