Phát biểu trên được vị tân Tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông tiếp tục rút khỏi hoặc xét lại việc tài trợ cho hàng loạt tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, bao gồm Hội đồng Nhân quyền, Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) và tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO).
Phát biểu với báo giới vào ngày 4/3, Tổng thống Trump đánh giá Liên hợp quốc là cơ quan có tiềm năng lớn và trên cơ sở đó, nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục “theo đuổi”, nhưng cơ quan này phải hành động. Tuy vậy, ông cũng cho rằng Liên hợp quốc đã không được điều hành tốt và không làm tốt công việc của mình.
"Nhiều cuộc xung đột mà chúng ta đang giải quyết cần phải được giải quyết, hoặc ít nhất là chúng ta cần có sự giúp đỡ để giải quyết chúng. Chúng ta dường như không bao giờ nhận được sự giúp đỡ. Đó phải là mục đích chính của Liên Hợp Quốc", ông Trump nói.
Tổng thống Trump cho biết ông không muốn rút lại tiền từ tổ chức thế giới gồm 193 thành viên này, nhưng ông luôn phàn nàn rằng Washington phải trả một số tiền không tương xứng.
Đại diện của Liên hợp quốc đã lên tiếng phản bác nhận xét của Tổng thống Trump. Phát ngôn viên của Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, khẳng định rằng Tổng thư ký Antonio Guterres đã "làm việc không biết mệt mỏi để thực hiện nhiều cải cách… nhằm tăng hiệu quả và đổi mới". Ông Dujarric cũng nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của Mỹ đã giúp cứu vô số sinh mạng và góp phần bảo đảm an ninh toàn cầu, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với Chính quyền Trump.
Một trong những cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an. Đây là cơ quan gồm 15 thành viên, trong đó Mỹ là một trong 5 thành viên thường trực với nhiệm vụ được xem là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Mỹ từ lâu luôn cho rằng nước này gánh vác nghĩa vụ tài chính quá lớn đối với ngân sách của Liên hợp quốc. Washington hiện là bên đóng góp nhiều nhất cho Liên hợp quốc, chiếm 22% ngân sách lõi và 27% ngân sách về lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Liên hợp quốc cho biết Mỹ hiện đang nợ tổng cộng 2,8 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ USD là cho ngân sách thường xuyên. Đặc biệt là các khoản thanh toán này không phải là phần đóng góp tự nguyện.
Một trong những động thái gây chú ý nhất của Tổng thống Trump là việc ngừng tài trợ cho UNRWA. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến thăm Washington. Từ lâu, Israel đã chỉ trích UNRWA, cáo buộc cơ quan này có thái độ thù địch với Israel và một số nhân viên của họ có liên quan đến hoạt động khủng bố.
Cựu Tổng thống Joe Biden trước đó đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA vào tháng 1/2024 sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10/2023 do Hamas thực hiện – nguồn cơn gây ra cuộc chiến tại Dải Gaza trong thời gian qua.
Liên hợp quốc cho biết rằng có thể 9 nhân viên của UNRWA đã tham gia vụ tấn công và đã bị sa thải ngay sau đó. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhiều lần yêu cầu Israel cung cấp bằng chứng nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Việc đình chỉ tài trợ của Mỹ cùng với lệnh cấm hoạt động UNRWA tại Israel từ ngày 30/1/2024 đã khiến hoạt động của tổ chức này bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Dải Gaza và Bờ Tây.
Không chỉ dừng lại ở UNRWA, chính quyền Trump cũng thể hiện lập trường cứng rắn đối với Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền với lý do cơ quan này có thái độ không công bằng với với Israel cũng như thiếu sự cải cách.
Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã quay trở lại Hội đồng trong nhiệm kỳ 2022-2024. Nhưng khi quay lại nắm quyền, ông Trump đã lại tiếp tục đặt vấn đề về hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Một nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền dự kiến sẽ xem xét hồ sơ nhân quyền của Mỹ vào cuối năm nay, nhưng chính quyền Trump được đánh giá là có thể sẽ không hợp tác tích cực với tiến trình này.
Sắc lệnh hành pháp mới nhất của Trump cũng yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio tiến hành rà soát các tổ chức, công ước và hiệp ước quốc tế mà chính quyền cho rằng có thể "khuyến khích cảm xúc cực đoan hoặc chống Mỹ".
UNESCO là một trong những tổ chức đầu tiên nằm trong danh sách này. Trước đó, Mỹ và Israel đã tuyên bố rút khỏi UNESCO vào năm 2017, với cáo buộc tổ chức này có thành kiến chống lại Israel. Washington cũng đã ngừng tài trợ cho UNESCO từ năm 2011 sau khi tổ chức này công nhận Palestine là thành viên chính thức.
Với các động thái mạnh tay như trên, chính quyền Trump tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những cơ quan mà ông cho rằng không phục vụ lợi ích của Mỹ. Những quyết định này được dự đoán sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Liên hợp quốc, cũng như gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với tình hình chính trị và nhân đạo toàn cầu.