Đài RT ngày 3/6 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lạm phát ở Mỹ là hậu quả những sai lầm của các cơ quan tài chính Mỹ, trong khi ở EU, điều này liên quan nhiều hơn đến các chính sách năng lượng thiển cận ở Brussels. Theo ông, dù thế nào, nó không liên quan gì đến Moskva hoặc các hành động của Nga ở Ukraine.
Phát biểu trên được ông Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau cuộc gặp với người đứng đầu Liên minh châu Phi Macky Sall ở Sochi, nhằm đáp trả những nỗ lực đổ lỗi tình trạng hỗn loạn ở Ukraine khiến chi phí sinh hoạt ở phương Tây tăng vọt.
Hầu hết các chính phủ đều sử dụng biện pháp kích thích tài khóa để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các lệnh phong toả chống đại dịch Covid-19. Ông Putin lập luận rằng Nga đã làm “cẩn thận và chính xác hơn nhiều” mà không làm ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế vĩ mô và đẩy lạm phát tăng. Ngược lại, ở Mỹ, cung tiền đã tăng 38% - tương đương thêm 5,9 nghìn tỷ USD - trong vòng chưa đầy 2 năm, điều mà ông Putin gọi là “sản lượng chưa từng có” của việc in tiền.
Theo nhà lãnh đạo Nga, rõ ràng các cơ quan tài chính Mỹ đã cho rằng do đồng đô la là tiền tệ toàn cầu, "như thời xưa", lượng tiền đó sẽ “tiêu tan” trong toàn bộ nền kinh tế thế giới và sẽ không gây ra vấn đề gì ở Mỹ. Nhưng hóa ra không phải như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã làm một việc “tử tế” khi thừa nhận rằng bà đã sai về lạm phát - ông Putin nói. "Vì vậy, đây là một sai lầm của các cơ quan tài chính và kinh tế của Mỹ, nó không liên quan gì đến hành động của Nga ở Ukraine, không hề”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 31/5, bà Yellen cho biết bà không hiểu đầy đủ về “những cú sốc lớn và không lường trước được đối với nền kinh tế đã đẩy cao giá năng lượng và thực phẩm, cộng với việc tắc nghẽn nguồn cung” dẫn đến lạm phát.
Đối với EU, ông Putin cho rằng lạm phát ở khối này là do “chính sách thiển cận” của Ủy ban châu Âu về năng lượng, cụ thể là thúc đẩy “chương trình nghị sự xanh” vì những lo ngại về khí hậu. Ông Putin cho biết, châu Âu cũng từ chối các đề xuất của Nga về các hợp đồng khí đốt dài hạn, điều này đã làm tăng giá trên thị trường giao ngay.
“Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau”, nhà lãnh đạo Nga cho biết, đồng thời lưu ý rằng giá khí đốt tăng đã “đẩy” giá phân bón cùng nhiều mặt hàng khác lên cao, và khiến nhiều ngành công nghiệp không có lãi, buộc họ phải đóng cửa.
Ông cho rằng, với nhiều chính trị gia châu Âu, đây là một diễn biến hoàn toàn bất ngờ. “Nhưng chúng tôi đã cảnh báo về điều này, và điều này không liên quan đến bất kỳ hoạt động quân sự nào của Nga ở Donbass, không liên quan gì cả”, ông Putin tuyên bố.