Tổng thống Phần Lan: EU cần đặc phái viên tham gia đàm phán hòa bình về Ukraine

Ngày 16/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần một đặc phái viên tới các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine để tránh bị loại khỏi các cuộc đàm phán.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb tại cuộc gặp ở Kiev ngày 3/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó chỉ 1 ngày cũng phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đã tuyên bố rằng châu Âu sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine. Ông Keith Kellogg tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine, trong đó Moskva và Kiev là hai bên tham gia chính.

Những phát biểu trên của ông Kellogg cũng như những tuyên bố của hàng loạt lãnh đạo của Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump đã làm dấy lên lo ngại châu Âu bị loại khỏi thỏa thuận hòa bình có ảnh hưởng đến an ninh của châu lục, đặc biệt nếu các điều khoản quá có lợi cho Nga.

Đáp lại những động thái trên, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã tuyên bố rằng một đặc phái viên mới từ EU sẽ giúp tập trung các nỗ lực của châu Âu và trao cho khu vực tiếng nói trong các cuộc đàm phán như vậy.

"Nếu có một bàn đàm phán, tôi nghĩ chúng ta cần phải làm điều gì đó… Châu Âu cần có một đặc phái viên. Và sau đó, một phó đặc phái viên, người ở cấp độ của ông Kellogg, ông (Steve) Witkoff, ông (Andriy) Yermak, hoặc ông (Yuriy) Ushakov", ông Alexander Stubb cho biết.

Trong trả lời phỏng vấn với phóng viên tại Munich, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cũng đã nói: "Họ không thể thảo luận hoặc đàm phán về Ukraine, tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu. Chúng ta cần phải chỉnh đốn bản thân, nói ít hơn và làm nhiều hơn".

Trước đó, tờ Politico đưa tin các quan chức Mỹ đang tới Saudi Arabia gặp gỡ các đại diện của Nga để đàm phán nhằm đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, Kiev được cho là không được mời tham dự cuộc họp trên và thậm chí còn bất ngờ trước thông báo về cuộc họp tại Saudi Arabia. Điều này đang gây lo ngại rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột gần 3 năm qua giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra mà không có sự tham gia của chính bên trong cuộc là Ukraine.

Trước tình hình đó, không chỉ Tổng thống Phần Lan mà còn nhiều lãnh đạo khác của châu Âu cũng đã tuyên bố thể hiện việc không chấp nhận bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán hiện nay về vấn đề Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã bày tỏ quan điểm tương tự như ông Stubb khi nói rằng châu Âu cần một đại diện mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán. "Những gì chúng ta thiếu ở Ukraine trong những năm gần đây là một nhân vật được mọi người hết sức kính trọng, được Moskva, Kiev coi trọng và có được sự ủng hộ từ Washington, các thủ đô châu Âu và các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Nam bán cầu, có thể có thẩm quyền điều hành các cuộc đàm phán hòa bình", ông Andrej Plenkovic cho biết.

Trong khi đó, Pháp được cho là đang thảo luận với các đồng minh về khả năng tổ chức họp không chính thức giữa các lãnh đạo châu Âu về tình hình Ukraine. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết sự kiện sẽ diễn ra ngày 17/2.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng kêu gọi châu Âu cùng hành động. "Hãy tham gia vào cuộc tranh luận bằng cách đưa ra đề xuất, ý tưởng cụ thể và tăng chi tiêu quốc phòng, thay vì chỉ than phiền về vấn đề châu Âu có được tham gia đàm phán hay không", ông nói.

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky hôm 15/2 đã bày tỏ mong muốn đặc phái viên Kellogg đến thăm khu vực tiền tuyến. "Điều cực kỳ quan trọng là ông ấy phải thấy tình hình thực địa rồi truyền đạt lại với Tổng thống Trump. Sau đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cách nhìn nhận vấn đề. Đó là mục tiêu của tôi trong tương lai gần. Phía Mỹ cần hiểu nhiều hơn về những gì đang diễn ra", ông nói.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters, AFP, Kyiv Independent)
Ukraine rung chuyển bởi hàng loạt tên lửa và UAV từ Liên bang Nga
Ukraine rung chuyển bởi hàng loạt tên lửa và UAV từ Liên bang Nga

Theo tờ Kyiv Post, rạng sáng ngày 16/2 (theo giờ địa phương), quân đội Nga đã phóng hàng loạt tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) vào Ukraine gây ra tình trạng hỏa hoạn và hư hại hệ thống phát điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN