Tổng thống Nga và Thủ tướng Italy thảo luận tình hình Ukraine

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng "góp phần đáng kể" giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề Ukraine. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Putin đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 26/5. 

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về tình hình an ninh lương thực toàn cầu cũng như vấn đề Ukraine. Tổng thống Putin nêu rõ "Nga sẵn sàng đóng góp đáng kể giải quyết khủng hoảng lương thực bằng cách xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các biện pháp hạn chế mang động cơ chính trị".

Ông Putin cũng đảm bảo với Thủ tướng Draghi rằng Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt liên tục cho Italy với mức giá đã được nhất trí trong hợp đồng. Trước đó, công ty năng lượng Eni của Italy cho biết đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán tiền khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble. 

Về phần mình, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Draghi cho biết mục đích cuộc điện đàm này là tìm cách giải tỏa hàng tấn ngũ cốc đang mắc kẹt tại các kho chứa ở Ukraine. Ông kêu gọi Nga và Ukraine phối hợp để dỡ bỏ tình trạng phong tỏa các cảng ở Biển Đen, nơi lúa mì chất trong các kho chứa đang có nguy cơ bị hỏng. 

Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Ukraine ngày 26/5 cho biết nước này đang nỗ lực tìm cách xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ cũng như đường sắt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, trước thời điểm xung đột bùng phát, Ukraine có thể xuất khẩu 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng, song lượng xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 300.000 tấn vào tháng 3 vừa qua và 1,1 triệu tấn vào tháng 4. Chính phủ Ukraine muốn nâng khối lượng xuất khẩu lên 2 triệu tấn, song đang gặp những trở ngại về hậu cần như thiếu toa xe lửa, nhiên liệu, xe tải...Những khó khăn này có thể mất nhiều năm và hàng tỷ USD để khắc phục. Hiện Ukraine có ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc cất trữ trong kho và công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform ước tính có thể có thêm khoảng 40 triệu tấn nữa trong vụ thu hoạch mùa Hè này.

Giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 và giá lương thực tăng vọt đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới. Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen như Odessa.

Trần Quyên - Duy Trinh (TTXVN)
Brazil đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực
Brazil đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực

Theo một nghiên cứu mới trung tâm giáo dục Getulio Vargas Foundation (FGV) của Brazil, tỷ lệ người dân không đủ tiền mua thức ăn cho bản thân hoặc gia đình tại một số thời điểm trong năm đã tăng lên mức kỷ lục 36% năm 2021 so với mức 30% năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN