Sự kiện này được coi như một cơ hội để EU và Mỹ "xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương" vốn suy yếu dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, dù đã được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu nhưng Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, diễn ra trong hai ngày 25-26/3, vẫn phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang nóng lên ở các quốc gia châu Âu. Đây cũng là một trong những chủ đề mà các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận, bên cạnh một số vấn đề khác như mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẽ tham gia hội nghị này.
Đối với EU, việc tái thiết quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đã trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi đảng Dân chủ của ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Do đó, việc mời Tổng thống Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU là cơ hội để khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời tiếp tục phát triển quyền tự chủ chiến lược của mối quan hệ này trong một liên kết bình đẳng giữa hai bên.
Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ phát biểu với các nhà lãnh đạo EU về hợp tác chống đại dịch COVID-19, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất trên thế giới.
Lần gần đây nhất một Tổng thống Mỹ phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của EU là tại hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ vào ngày 5/4/2009 tại Praha (CH Séc).
Việc ông Biden tuyên bố tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du ở Brussels tham dự Hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmès, đây là "một tín hiệu về cam kết mới của Mỹ trong NATO, được Bỉ và châu Âu hoan nghênh".