Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lạc quan và cho rằng trong khó khăn vẫn có những cơ hội, một trong số đó là thúc đẩy số hóa trong các lĩnh vực.Nhà lãnh đạo Indonesia cho biết tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của ASEAN ước đạt 200 tỷ USD vào năm 2025 sẽ chỉ thực hiện được nếu ASEAN tiến hành chuyển đổi số, trong khi hiện khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước trong khu vực vẫn còn rất lớn.
Để khắc phục điều này, Tổng thống Widodo cho rằng ASEAN cần tiến hành “cách mạng kỹ thuật số toàn diện”. Bên cạnh đó, ASEAN không chỉ là một thị trường trong nền kinh tế kỹ thuật số, mà cần trở thành một khu vực đóng vai trò lớn, đồng thời tăng cường phối hợp để tạo ra “hệ sinh thái kỹ thuật số có ích”.
Theo đó, kinh tế kỹ thuật số phải có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bởi các doanh nghiệp này là “xương sống”, chiếm 89-99% nền kinh tế ASEAN. Ngoài ra, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các MSME cũng sẽ giúp phục hồi nền kinh tế khu vực.
Tổng thống Widodo cũng kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại kỹ thuật số, xây dựng hệ thống luật pháp vững chắc, quản lý thương mại kỹ thuật số và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân nhằm gia tăng kết nối khu vực.
ABIS 2020 do Chính phủ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Sự kiện đã thu hút hơn 350 đại biểu gồm lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện chính phủ và các tổ chức quốc tế. Ngoài Tổng thống Indonesia, một số lãnh đạo các nước như Thủ tướng Việt Nam, Malaysia, Australia, Thái Lan và Trung Quốc cũng xuất hiện tại ABIS 2020 với tư cách là các diễn giả.