Tổng thống Hàn Quốc: Sẽ không nổ ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ khả năng nổ ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: EPA/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 17/8 đã bác bỏ khả năng xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, cho biết Mỹ đã nhất trí rằng sẽ không tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào đối với Triều Tiên nếu không có sự chấp thuận của Seoul.

Phát biểu với báo giới nhân dịp đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố: "Tôi tự tin khẳng định rằng sẽ không có chiến tranh xảy ra một lần nữa trên Bán đảo Triều Tiên". Ông nêu rõ Mỹ và Tổng thống Donald Trump đồng ý sẽ thảo luận với Hàn Quốc "bất cứ phương án nào có thể áp dụng, bất kể phương án đó là gì".

Tổng thống Hàn Quốc đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên gia tăng khi Triều Tiên đe dọa bắn đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hai bên sau đó đã liên tiếp có những phản ứng cứng rắn dẫn tới những cảnh báo về chiến tranh. Theo Tổng thống Moon Jae-in, lời đe dọa của Tổng thống Trump chỉ nhằm gây sức ép đối với Triều Tiên chứ không phải về một sự can thiệp quân sự.

Tình hình bắt đầu hạ nhiệt khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 15/8 tuyên bố hoãn kế hoạch bắn tên lửa tới gần đảo Guam, song cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có động thái nếu Washington tiếp tục có “những hành động liều lĩnh”. Phản ứng trước động thái này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson  tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng.

Ngày 16/8, Đặc phái viên Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzya đã lên tiếng hối thúc Mỹ và Hàn Quốc giảm quy mô các cuộc tập trận chung nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở LHQ tại New York, ông Nebenzya khẳng định "Thậm chí chỉ cần giảm quy mô các cuộc tập trận, chứ không cần phải hoãn tập trận, sẽ giúp giảm căng thẳng". Theo ông, hiện là thời điểm để các bên sẵn sàng hướng tới giảm căng thẳng, kiềm chế bất kỳ hành động nào làm tình hình xấu đi. Bên cạnh đó, Đặc phái viên Nga tại LHQ cho rằng cần đưa ra một lộ trình chính trị, và trong thời điểm hiện nay, chỉ có 1 lộ trình đó là đề xuất chung của Nga-Trung, theo đó Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng ngừng các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn cũng như xây dựng hòa bình và an ninh ở Đông Bắc Á. Ông Nebenzya nhận định việc Mỹ và Triều Tiên đưa ra các phát biểu mang tính hòa giải trong những ngày gần đây đã phát đi một tín hiệu tích cực về việc "căng thẳng đang hạ nhiệt".

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert một lần nữa khẳng định Washington và Seoul sẽ vẫn tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Người bảo vệ Tự do Ulchi" như đã định vào ngày 21/8 tới.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Washington, bà nhấn mạnh Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung như vậy với nhiều đồng minh trên thế giới, đồng thời từ chối bình luận về việc liệu có giảm quy mô các cuộc tập trận hay vong, cho rằng đây là câu hỏi dành cho Lầu Năm góc. Bà Nauert cũng tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ không chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, song Washington sẵn sàng đàm phán nếu Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Cũng trong ngày 16/8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Chile đã hối thúc các nước Mỹ Latinh trong đó có Brazil, Mexico, Chile, và Peru cắt quan hệ thương mại và ngoại giao với Triều Tiên nhằm gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hầu hết chính phủ các nước mà Phó Tổng thống Mỹ đề cập ở trên đều khẳng định không có ý định cắt đứt quan hệ ngay lập tức với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz khẳng định nước này tôn trọng đề nghị của phía Mỹ song Chile sẽ vẫn duy trì mối quan hệ này do đây là mối quan hệ không gần gũi và Santiago vẫn thực thi nghiêm ngặt tất cả các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Phó Tổng thống Pence tại Santiago, Tổng thống Chile Michelle Bachelet kêu gọi các bên liên quan nối lại các nỗ lực ngoại giao và đối thoại nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo triều Tiên.

Brazil-nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh khẳng định sẽ tuân thủ các quyết định của các thể chế đa phương. Trong khi đó, Thủ tướng Peru Fernando Zavala cho biết chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ phía Mỹ về việc cắt đứt quan hệ với Triều Tiên, và nước này sẽ xem xét vấn đề này vào thời điểm thích hợp.

TTXVN/Tin Tức
Chuyên gia: Chưa cần đến chiến tranh để giải quyết vấn đề Triều Tiên
Chuyên gia: Chưa cần đến chiến tranh để giải quyết vấn đề Triều Tiên

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice mới đây cho rằng Mỹ cần thực hiện bước đi hợp lý nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, song vẫn có thể ngăn cản Triều Tiên mà không cần đến chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN