Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 11/6 đã cáo buộc việc giam giữ ông Julian Assange, người đồng sáng lập WikiLeaks, là một cuộc tấn công vào nền dân chủ và tự do báo chí trong bối cảnh nhân vật này chuẩn bị đưa ra kháng cáo cuối cùng lên Tòa án Tối cao ở Anh, sau khi kiến nghị mới nhất của ông nhằm ngăn chặn yêu cầu dẫn độ của Mỹ bị từ chối.
Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh: "Tôi lo ngại về việc dẫn độ nhà báo Julian Assange sắp xảy ra. Nhà sáng lập WikiLeaks đã làm một công việc quan trọng để tố cáo các hành động bất hợp pháp của một quốc gia chống lại một quốc gia khác".
Ông Lula da Silva cũng kêu gọi huy động các tổ chức chính trị xã hội, những người có lương tri trên thế giới tham gia vào chiến dịch bảo vệ ông Assange, đồng thời nhấn mạnh việc giam giữ kéo dài với người đồng sáng lập Wikileaks đã đi ngược lại tiêu chí dân chủ.
Trước đó, sau khi tham dự lễ đăng quang của Vua Charles III ở London vào tháng 5, Tổng thống Lula da Silva đã lên án việc giam giữ ông Assange là một "sự xấu hổ" và "điều điên rồ".
Vợ của ông Assange, bà Stella, cho biết hôm tuần trước rằng chồng bà sẽ tìm kiếm một phiên điều trần công khai khác trước hai thẩm phán mới tại Tòa án Tối cao, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về cơ hội kháng cáo.
Ông Assange, công dân Australia, bị Mỹ truy tố theo Đạo luật gián điệp với cáo buộc tấn công máy tính của chính phủ để thu thập và tiết lộ trái phép lượng lớn tài liệu quân sự mật và các bức điện ngoại giao trên WikiLeaks, hành vi mà họ cho là đe dọa tính mạng nhiều người.
Nhà sáng lập WikiLeaks đã bị chính quyền Anh bắt giữ hồi năm 2019 sau khi Ecuador thu hồi quy chế tị nạn của ông và cho phép cảnh sát Anh đưa ông ra khỏi Đại sứ quán của nước này ở London.
Một tòa án ở London hồi tháng 1/2021 cho rằng Assange không nên bị dẫn độ sang Mỹ, do ông có thể tự sát trong nhà tù nước này. Mỹ sau đó nộp đơn kháng cáo chống lại phán quyết. Sau hai phiên điều trần, thẩm phán tòa cấp cao Timothy Holroyde tháng 12/2021 đã ủng hộ kháng cáo của Mỹ, cho biết ông hài lòng với những đảm bảo mà Washington đưa ra về điều kiện đối xử với ông Assange. Mỹ cũng cam kết đưa nhân vật này tới Australia thụ án nếu bị kết tội.
Vào ngày ông Assange bị bắt, Bộ Tư pháp Mỹ đã tống đạt 17 cáo buộc theo Đạo luật Gián điệp, có thể phải chịu mức án lên đến 175 năm nếu bị kết tội. Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange coi sáng lập viên WikiLeaks là nạn nhân của Mỹ vì vạch trần hành vi sai trái của nước này trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Wikileaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố, nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin. Trang web của tổ chức ra mắt vào tháng 12/2006 và một năm sau đó, trang web này tuyên bố cơ sở dữ liệu của họ đã có hơn 1,2 triệu tài liệu.
WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.
Nhóm luật sư bào chữa của ông Assange hiện đang chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ, nhưng kháng cáo trước đó về lệnh dẫn độ vào tháng 6/2020 đã bị từ chối khi Thẩm phán Jonathan Swift đã bác bỏ tất cả 8 căn cứ cho kiến nghị của ông, đồng thời cho phép nhà đồng sáng lập WikiLeaks thời hạn 5 ngày để kháng cáo vụ việc lên một hội đồng hai thẩm phán.
Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), vụ kháng cáo lần này sẽ là cơ hội cuối cùng của ông Assange để chống lại việc dẫn độ ở Anh, trừ khi ông đưa vụ việc của mình lên Tòa án Nhân quyền châu Âu